Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Giang nỗ lực ngăn chặn "tín dụng đen"
BHG - Thời gian gần đây, hoạt động “tín dụng đen” đã len lỏi đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh và đời sống người dân. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về tình trạng này cũng như vai trò và giải pháp của Ngân hàng Nhà nước trong việc ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”, phóng viên Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Nguyễn Xuân Thịnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Giang.
Phóng viên: Thời gian gần đây, “tín dụng đen” đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội, bị dư luận lên án, đồng chí có thể nói rõ hơn về bản chất của hoạt động này?
Đ/c Nguyễn Xuân Thịnh: “Tín dụng đen” được dùng để chỉ các hoạt động cho vay dân sự giữa các cá nhân, tổ chức không qua hệ thống tín dụng chính thức. Đặc trưng cơ bản nhất của “tín dụng đen” là cho vay với mức lãi suất cao và bị pháp luật nghiêm cấm. Chính vì vậy mà nó được gọi là tín dụng cho vay nặng lãi, hay “tín dụng đen”. “Tín dụng đen” thường hoạt động ngầm, âm thầm, không ồn ào, nhưng hệ lụy của nó thì có thể là khuynh gia bại sản, thậm chí có những tình huống siết nợ bạo lực, đẫm máu, gây bất an cho xã hội. Các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động “tín dụng đen” bao gồm: Bên cung ứng vốn thường là những người có tiền nhàn rỗi, có ham muốn cho người khác vay với lãi suất cao; không hiểu biết hoặc do động cơ lợi nhuận mà bỏ qua các quy định, cảnh báo của pháp luật; những cá nhân bất hảo, sẵn sàng làm trái các quy định của pháp luật, đạo đức, chuẩn mực của xã hội vì động cơ siêu lợi nhuận. Bên đi vay “tín dụng đen” là các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân chấp nhận vay vốn với lãi suất cao trong thời gian ngắn để xử lý mục tiêu trước mắt hoặc các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phi pháp như buôn lậu, gian lận thương mại, rửa tiền, kinh doanh hàng quốc cấm… và cho vay nặng lãi tiếp.
Phóng viên: Đồng chí khái quát đôi nét về mức độ ảnh hưởng của hoạt động “tín dụng đen”?
Đ/c Nguyễn Xuân Thịnh: Hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn ra khá phức tạp, khá phổ biến và đa dạng về hình thức, nhưng chủ yếu là hoạt động vay và cho vay không thông qua hệ thống các ngân hàng và tổ chức tín dụng được pháp luật công nhận. Hoạt động này, được nhận diện qua các hình thức: Các đối tượng thường quảng cáo việc cho vay bằng cách phát tờ rơi tại các nơi công cộng, dán trên cột điện, cây xanh, tường rào hoặc thông qua các trang mạng xã hội, ứng dụng trên điện thoại, với các nội dung “Cho vay không cần thế chấp”, “A lô là có tiền”, “Cho vay trả góp, không thế chấp”... Đa phần chúng đánh vào tâm lý của người dân, do thiếu hiểu biết và cần tiền, việc vay tiền thực hiện rất nhanh chóng, 10 - 30 phút là có thể nhận tiền; thủ tục vay rất đơn giản, chỉ cần photo hoặc thế chấp Chứng minh nhân dân, Sổ hộ khẩu, Giấy phép lái xe… Cá biệt, nhiều trường hợp vay tiền không cần thế chấp. Người vay và người cho vay có thể giao dịch bằng miệng, không cần hợp đồng hoặc lập hợp đồng nhưng rất đơn giản, không ghi mức lãi suất cho vay hoặc ghi lãi suất mập mờ, chung chung để lừa người vay. “Tín dụng đen” đã gây ra hệ lụy nặng nề, ảnh hưởng xấu đến trật tự an ninh xã hội, đẩy không ít gia đình vào tình trạng “khuynh gia bại sản”, sống cùng quẫn trong nợ nần chồng chất. Thực trạng của “tín dụng đen”, đặc biệt khi vỡ nợ đã tác động trực tiếp đến nền tài chính Quốc gia, gây bất ổn xã hội nhất là trong thời điểm kinh tế suy thoái. Hệ lụy của nó còn vượt ra khỏi cả những quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, kéo theo hàng loạt các tội phạm và tệ nạn xã hội, như: Giết người, cố ý gây thương tích, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, các hiện tượng đòi nợ thuê, đâm thuê, chém mướn…
Phóng viên: Trong số các giải pháp để ngăn chặn và đẩy lùi “tín dung đen”, đồng chí đánh giá thế nào về vai trò của ngành ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Giang giúp người dân tránh rơi vào bẫy “tín dụng đen”?
Đ/c Nguyễn Xuân Thịnh: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo với quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn tín dụng, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ cho vay, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Khuyến khích các tổ chức tín dụng, đặc biệt là Quỹ tín dụng nhân dân mở rộng mạng lưới hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp. Thường xuyên thanh tra, kiểm soát tốt hoạt động của hệ thống tài chính, kể cả hệ thống tài chính ngầm. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm từng tổ chức tín dụng trong việc xử lý nghiêm những cán bộ tiếp tay cho “tín dụng đen”. Tăng cường khả năng phát hiện, đấu tranh, phòng ngừa các hành vi kinh doanh phi pháp, như: Buôn lậu, gian lận thương mại, rửa tiền, kinh doanh hàng quốc cấm… Tăng cường các chế tài pháp luật đủ mạnh để nhận diện và trừng phạt hoạt động “tín dụng đen”. Phối hợp với các sở, ngành có liên quan, nhất là Báo Hà Giang, Đài PT – TH tỉnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thông báo công khai phương thức, thủ đoạn, hoạt động của đối tượng cho vay lãi cao, siết nợ, đòi nợ thuê để người dân, doanh nghiệp biết, từ đó cảnh giác, phòng tránh, không bị các đối tượng lừa gạt, dụ dỗ vay tiền, không tham gia, tiếp tay cho các đối tượng; mạnh dạn tố giác hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời hợp tác với cơ quan Công an trong điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
ĐỨC DŨNG - NGUYỄN PHƯƠNG (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc