Mèo Vạc chỉ đạo bảo vệ giống lợn đen Lũng Pù trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi
Trước sự lây lan nhanh của dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa bàn trong tỉnh, ngày 26.5, Huyện ủy Mèo Vạc đã có chỉ đạo tăng cường các biện pháp chống dịch tả lợn châu Phi bảo vệ giống lợn đen Lũng Pù.
Dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ ảnh hưởng đến đàn lợn đen Lũng Pù quý ở Mèo Vạc (trong ảnh, giống lợn đen Lũng Pù). |
Lợn đen Lũng Pù là một giống lợn bản địa quý, nức tiếng trên Cao nguyên đá Đồng Văn bấy lâu nay bởi chất lượng thịt rất thơm ngon. Đây là giống lợn có khả năng thích ứng với điều kiện môi trường sống khắc nghiệt, có sức đề kháng cao và dễ nuôi, phù hợp với điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ của người dân xã Lũng Pù và nhiều xã trong huyện Mèo Vạc. Lợn trưởng thành có con nặng đến 90kg. Giá lợn đen Lũng Pù trên thị trường hiện khá cao, giao động từ 65 – 70.000đ/kg lợn hơi và trên 100.000đ, thậm chí lên đến 140.000đ/kg thịt. Để bảo tồn giống lợn này, thời gian qua huyện Mèo Vạc đã không ngừng quan tâm, khuyến khích người dân mở rộng chăn nuôi. Huyện đã triển khai cả một đề án để bảo tồn giống lợn đen Lũng Pù trước nguy cơ giống này bị lai tạp, thoái hóa giống…
Đứng trước nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi có khả năng ảnh hưởng đến địa bàn nói chung, xã Lũng Pù và một số xã quanh khu vực xã Lũng Pù nói riêng, huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các xã Giàng Chu Phìn, Cán Chu Phìn, Lũng Pù, Khâu Vai và Hợp tác xã Tuấn Dũng của huyện lập chốt kiểm dịch tất cả các tuyến đường vào xã Lũng Pù, ngăn cấm tất cả các trường hợp vận chuyển lợn bên ngoài vào khu vực xã Lũng Pù, các tuyến đường của các xã lân cận. Riêng khu vực xã Lũng Pù được phép ngăn chặn tất cả các loại lợn hơi, thịt lợn tươi sống vận chuyển vào địa bàn, kể cả sản phẩm có đủ giấy tờ hợp pháp cũng không được vào địa bàn, để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi có thể ảnh hưởng đến giống lợn đen Lũng Pù.
Huyện Mèo Vạc cũng chỉ đạo rà soát lại tất cả các hộ chăn nuôi lợn đen Lũng Pù để ứng ngân sách mua thuốc tiêu độc, khử trùng. Thành lập mỗi xã, thôn một tổ chuyên chuyên trách phun thuốc tiêu độc, khử trùng tất cả các hộ chăn nuôi. Huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Y tế, Trạm Thú y huyện thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đỗ Viết Thành, Chủ tịch UBND xã Lũng Pù, cho biết: Hiện trên địa bàn xã Lũng Pù có trên 2.000 con lợn đen giống Lũng Pù. Toàn xã có 12/12 thôn đều nuôi giống lợn này, thôn nuôi nhiều nhất là Sảng Chải A và Sảng Chải B. Ngoài ra, một số xã lân cận cũng có nuôi giống lợn đặc sản này. Với số lượng như vậy, cộng với trình độ chăn nuôi, khả năng phòng, chống dịch của bà con còn nhiều hạn chế, nếu dịch lan đến địa bàn sẽ trở thành nguy cơ đối với giống lợn đen ở xã Lũng Pù và đàn lợn đen Lũng Pù nuôi ở một số xã trên địa bàn huyện. Để phòng dịch, thời gian qua, xã Lũng Pù đã trích ngân sách mua thuốc tiêu độc, khử trùng, vôi bột để triển khai công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về nguy cơ xâm nhập và cách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, cách nhận biết bệnh dịch trên đàn lợn.
Cũng theo thông tin từ xã Lũng Pù, hiện nay huyện đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Xã Lũng Pù coi đây là một nhiệm vụ đặc biệt và tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch để không chỉ bảo vệ giống lợn đen Lũng Pù mà còn bảo vệ một nguồn gien quý, một đặc sản của Cao nguyên đá Đồng Văn. Do đó, xã triển khai kiểm soát chặt chẽ việc đưa lợn và các sản phẩm lợn từ bên ngoài vào. Tuy nhiên, do nhận thức của người dân còn hạn chế, do nhu cầu thực phẩm hàng ngày của người dân, cộng với địa bàn rộng, tiếp giáp với nhiều xã khác, việc vận chuyển nhỏ lẻ của bà con có thể diễn ra nên việc kiểm soát việc đưa thịt lợn từ bên ngoài vào địa bàn sẽ gặp không ít khó khăn. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ, kiên quyết giữa các ngành của huyện, các địa phương trong việc ngăn chặn dịch có thể xâm nhập.
Huy Toán
Ý kiến bạn đọc