Hoàng Su Phì tăng cường các giải pháp giảm nghèo bền vững
BHG - Trong giai đoạn 2016 – 2018, huyện Hoàng Su Phì có 3.250 hộ thoát nghèo, tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 6,07%/năm. Đây là nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở. Tuy nhiên, để công tác giảm nghèo thật sự bền vững thì vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức.
Người dân xã Túng Sán thu hái chè Shan tuyết. |
Giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư. Thực hiện chủ trương này, huyện Hoàng Su Phì đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về giảm nghèo đến các tầng lớp nhân dân. Bằng nhiều hình thức đa dạng, như: Tuyên truyền trực quan bằng pano, khẩu hiệu, tờ rơi; qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các buổi đối thoại về chính sách… với nội dung phong phú đã tác động tích cực đến nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân. Những mô hình giảm nghèo hiệu quả, kinh nghiệm thoát nghèo thành công ngày càng được nhân rộng, góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân trên địa bàn.
Đản Ván là xã vùng sâu, đặc biệt khó khăn của huyện, hết năm 2018, toàn xã còn 45,45% hộ nghèo; tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 24%. Chủ tịch UBND xã Vy Trung Luyến cho biết: Chính quyền xã luôn xác định công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đảng bộ xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế; lãnh, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những sản phẩm thế mạnh và xây dựng phương án cụ thể cho từng cây, con mũi nhọn. Với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cho việc phát triển cây ăn quả, xã tập trung hướng dẫn nhân dân mở rộng diện tích giống cây ăn quả bản địa, trong đó tập trung vào cây lê và mận máu; mở rộng diện tích trồng đậu tương theo hướng hàng hóa và tập trung chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ. Với nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 16,3 triệu đồng/người, tăng 8,8 triệu đồng so với năm 2015. Đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên.
Theo báo cáo của UBND huyện Hoàng Su Phì, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 53,19% năm 2016 xuống còn 42,82% cuối năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người đạt 20,45 triệu đồng/năm, tăng 4,7 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ bao phủ thẻ BHYT đạt trên 98%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 46%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 75%... Đó là những kết quả đáng khích lệ trong công tác giảm nghèo của huyện. Tuy nhiên, tình trạng tái nghèo vẫn xảy ra, trong giai đoạn 2016 – 2018, toàn huyện có 6 hộ tái nghèo, một số hộ thoát nghèo nhưng mức thu nhập vẫn còn thấp. Thực tế cho thấy, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đang gặp phải nhiều khó khăn như: Điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất của người dân; điều kiện KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; sản xuất nông nghiệp còn tự phát, manh mún, thị trường đầu ra cho các sản phẩm chưa ổn định và bền vững; trình độ văn hóa cũng như năng lực sản xuất của người nghèo còn hạn chế; công tác vận động nguồn lực chưa thực sự hiệu quả, chưa huy động được sự tham gia và đóng góp tích cực của nhân dân cho công cuộc giảm nghèo…
Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền huyện tăng cường thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh. Phát triển cây chủ lực gồm chè và dược liệu; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, kinh tế tư nhân phát triển ở các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích đồng bào thay đổi tập quán lạc hậu trong sinh hoạt và sản xuất. Đẩy mạnh thông tin thị trường lao động, chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tăng cường nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Huy động và lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình, dự án để tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt là cho các hộ nghèo và cận nghèo. Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Chuyển phương thức hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có thu hồi, luân chuyển nhằm bảo toàn nguồn vốn và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo…
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc