Phát triển nguồn dược liệu quý trên dải Tây Côn Lĩnh
BHG - Xã Cao Bồ (Vị Xuyên) vốn nổi tiếng là vùng nguyên liệu chè Shan tuyết lớn trên dải Tây Côn Lĩnh. Cây chè Shan tuyết đã và đang góp phần làm thay đổi đời sống kinh tế của bà con nơi đây. Bên cạnh đó, với độ cao từ 1.000 – 1.800 m so với mực nước biển, là địa bàn còn nhiều rừng già nguyên sinh nên Cao Bồ còn ẩn chứa nhiều loại dược liệu quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao như: Tam thất hoang, sâm Bảy lá một hoa (Thất diệp nhất chi hoa), Lan kim tuyến…
Anh Đặng Văn Quân chăm sóc những cây thảo dược quý dưới tán rừng nguyên sinh. |
Những năm qua do nhu cầu thu mua lâm sản và dược liệu của các thương lái Trung Quốc cao nên nhiều loại dược liệu quý trên địa bàn tỉnh bị tận thu, dẫn đến nguy cơ suy giảm mạnh, thậm chí không còn trong tự nhiên. Trong số đó, cây Tam thất hoang - loại sâm rừng được đánh giá chất lượng chỉ sau sâm Ngọc Linh được săn lùng mạnh nhất. Nhận biết được giá trị kinh tế từ một số loại cây dược liệu quý, đặc biệt là Tam thất hoang và cây Thất diệp nhất chi hoa, nhiều hộ đồng bào Dao thôn Tham Vè, xã Cao Bồ đã thu hái hạt, nhân giống thành công 2 loại dược liệu quý trên và bắt đầu được hưởng lợi từ mô hình trồng thảo dược dưới tán rừng già.
Cùng những thành viên trong mô hình trồng cây dược liệu quý dưới tán rừng già ở Cao Bồ, vượt quãng đường ngoằn ngoèo men theo đồi chè, rừng vầu, leo những con dốc dựng dài đến chóng mặt mới đến nơi bà con đang trồng loài dược liệu quý hiếm.
Khi mới nghe cán bộ xã giới thiệu về mô hình trồng thử nghiệm các loại dược liệu, chúng tôi hình dung mô hình nhà lưới với các loại dược liệu trồng theo luống và được chăm sóc kỹ lưỡng. Nhưng thật bất ngờ, chúng tôi được anh Đặng Văn Quân, người Dao thôn Tham Vè, cũng là người có diện tích trồng dược liệu quý nhiều nhất ở đây nói về những cây Tam thất hoang, Thất diệp nhất chi hoa đủ kích cỡ được trồng tự nhiên dưới tán cây cổ thụ. Anh Quân cho biết, trước đây loại sâm quý này ít được bà con biết đến, nhưng từ đầu những năm 2000 thương lái bắt đầu thu mua số lượng lớn nên nhiều người lùng tìm, khiến cho số lượng loại cây quý này sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều hộ trong thôn nhận thấy giá trị của cây này nên đem giống về trồng thử và có hiệu quả nên bỏ công đầu tư, chăm sóc. Hiện nay, khoảng 45/120 hộ người Dao thôn Tham Vè đã tham gia trồng dược liệu quý.
Theo bà con người Dao thôn Tham Vè: Trồng cây Thất diệp nhất chi hoa, Tam thất hoang phải ở trong rừng hoang sơ thì mới phù hợp, như vậy cây mới sinh trưởng, phát triển tự nhiên, giá trị dược tính mới đảm bảo.
Riêng với anh Đạng Văn Quân bắt đầu trồng sâm số lượng lớn từ năm 2016, hiện đã trồng khoảng 1.000 cây sâm nằm dưới tán rừng già. Ban đầu mới trồng, cây giống sinh trưởng chậm anh cũng hơi lo; sau thấy cây mọc tự nhiên, phát triển tốt nên anh chú ý đầu tư hơn. Thất diệp nhất chi và Tam thất hoang được nhân giống bằng hạt hoặc bằng thân rễ, mỗi cây chỉ có một hoa, mỗi hoa chỉ có một ít hạt nên hệ số nhân giống bằng hạt không cao, khi thu hoạch bà con thường tách rễ ra từng đoạn để trồng tiếp. Chỉ tay lên đỉnh núi phủ mây, anh Quân cho biết ở trên cao đó sâm được trồng nhiều, củ to hơn, bà con đã có thể thu hoạch.
Thất diệp nhất chi hoa và Tam thất hoang có giá trị kinh tế rất cao, giá khoảng 1,8 – 2,5 triệu đồng/kg, đầu ra sản phẩm rất lớn. Hiện nay, với sự thu mua ồ ạt của các thương lái Trung Quốc, thì đầu ra cho sản phẩm gần như không đủ. Theo kinh nghiệm của những người dân thôn Tham Vè, 2 loài dược liệu quý trên trồng khoảng 3 năm trở lên có thể thu hoạch, nhưng càng lâu năm, càng cao giá nên nhiều hộ trong thôn đang giữ lại để nhân giống.
Anh Đặng Văn Tuân, người có thâm niên trồng và bán dược liệu lâu năm nhất thôn Tham Vè cho biết, trước đây thương lái tìm mua với giá thấp, chỉ đến khi khan hiếm, người dân phải lên đỉnh núi chỗ cao nhất, khó nhất mới lấy được thì bắt đầu nghĩ tới chuyện trồng và bảo tồn giống. Ngày trước người ta chỉ mua củ, nhưng thời gian gần đây họ mua cả củ, thân, lá để ngâm rượu.
Từ những lợi ích của trồng sâm Thất diệp nhất chi hoa và Tam thất hoang dưới tán rừng già, anh Lý Quốc Hưng, Chủ tịch UBND xã Cao Bồ cho biết, xã đang có kế hoạch phối hợp với Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa xây dựng đề án nhân rộng mô hình và thành lập các Nhóm sở thích tại thôn Tham Vè và các thôn có đủ điều kiện trồng, phát triển các loại dược liệu quý trên. Từ đó, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững nguồn cây dược liệu quý dưới tán rừng, phục vụ sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn xã.
Bài, ảnh: TRỌNG TOAN
Ý kiến bạn đọc