Phát triển chăn nuôi hàng hóa trên địa bàn tỉnh
BHG - Cụ thể hóa các giải pháp thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Đề án Phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa; thời gian qua với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích trong lĩnh vực nông nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh ta đang tập trung nguồn lực phát triển chăn nuôi hàng hóa, gia tăng giá trị kinh tế và nâng cao thu nhập.
Nuôi dê hàng hóa ở xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân. |
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về đột phá thực hiện Đề án phát triển nửa triệu con đại gia súc và phát triển tổng thể gia trại, trang trại nuôi lợn và gia cầm trên địa bàn tỉnh; ngành chăn nuôi và các địa phương đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện. Nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi bước đầu đi vào cuộc sống; tổng đàn gia súc, gia cầm tăng nhanh, tình hình thiệt hại do dịch bệnh, đói rét giảm đáng kể.
Năm 2018, toàn tỉnh có trên 290 nghìn con trâu, bò; gần 600 nghìn con lợn; gần 175 nghìn con dê; trên 4,6 triệu con gia cầm. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt trên 49.910 tấn; trong đó tỷ lệ thịt trâu, bò, lợn, gia cầm đều tăng trên 10% so với năm trước. Tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp đạt 30,2%, tăng 1,8% so với năm 2017, vượt 0,2% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Toàn tỉnh hiện có 411 gia trại, trang trại chăn nuôi; trong đó có 4 trang trại chăn nuôi trâu, bò quy mô trên 60 con; 16 trang trại nuôi lợn quy mô trên 200 con; 9 trang trại gia cầm quy mô từ 1.500 con trở lên; duy trì hoạt động 14 chợ gia súc, tạo điều kiện thuận lợi để người dân buôn bán, trao đổi hàng hóa. Hiện tại, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch đầu tư chiến lược chuỗi giá trị trâu, bò, ong, lợn thịt hàng hóa; đang triển khai xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bò và cá Bỗng.
Bên cạnh phát triển tổng đàn, việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo được các địa phương triển khai hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng đàn đại gia súc, tạo ra thế hệ gia súc mới có thể trạng tốt, khả năng chống chịu với dịch bệnh và thời tiết khắc nghiệt cao hơn so với sinh sản tự nhiên. Năm 2018, đã thực hiện thụ tinh nhân tạo cho 5.064 con trâu, bò, trong đó có 3.459 con thành công; số bê, nghé sinh ra đạt 1.900 con. Nhiều trang trại, gia trại phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Ngành nông nghiệp chú trọng thực hiện tốt công tác thú y và phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn gia súc. Trong năm không xuất hiện dịch bệnh lớn; toàn tỉnh cung ứng trên 1,7 triệu liều vắc xin các loại cho đàn gia súc; tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 86%; triển khai thực hiện 3 đợt vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi tại các gia đình, chợ, trạm kiểm soát động vật Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm đối với gia cầm và giám sát sau tiêm vắc xin lở mồm long móng; công tác kiểm dịch động vật được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: Trước hết là sự rủi ro cao do dịch bệnh diễn biến phức tạp và thời tiết khắc nghiệt; biến động của giá cả thị trường; việc tiếp cận các chính sách của người dân còn hạn chế; ý thức chủ động phòng, tránh dịch bệnh và đói, rét cho đàn gia súc của một số địa phương, người dân chưa cao. Đặc biệt, việc liên kết phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị chưa thực sự mang lại hiệu quả bền vững; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi hạn chế.
Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, Trịnh Văn Bình chia sẻ: “Để hoàn thành mục tiêu năm 2019, tỷ trọng chăn nuôi trong ngành Nông nghiệp đạt 32% và hoàn thành các mục tiêu của Đề án Phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân; các địa phương tập trung phát triển trang trại, gia trại quy mô lớn; tích cực thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị; tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật, quy hoạch vùng sản xuất giống gia súc; chủ động phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm”.
Đối với tỉnh ta, việc phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm đặc sản địa phương như: Bò vàng, mật ong Bạc hà, cá Bỗng, lợn đen, gà đen… có tiềm năng và lợi thế vượt trội, có khả năng cạnh tranh cao, giá thành ổn định. Vì vậy, các địa phương cần phát huy thế mạnh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư nguồn lực phát triển, hình thành các vùng chăn nuôi hàng hóa tập trung, thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Bài, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc