Duy trì chiến lược trong sản xuất cam Sành ở Bắc Quang
BHG - Đi liền với công tác xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của huyện Bắc Quang chính là uy tín, danh tiếng, thương hiệu cam Sành Hà Giang không ngừng được gìn giữ, phát huy. Điều này, không chỉ tạo niềm tin đối với người tiêu dùng mà cam Sành còn là minh chứng cho một sản phẩm xứng tầm chủ lực trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.
Nỗ lực quảng bá, tìm kiếm thị trường
Chỉ chưa đầy 1 tháng nữa, những trái cam Sành đặc sản nơi “thủ phủ” cam Bắc Quang bước vào thời điểm chính vụ. Đồng hành với niềm vui được mùa của người sản xuất, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang đã và đang triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cam Sành niên vụ 2018 – 2019.
Vườn cam Sành sản xuất theo quy trình VietGAP ở thôn Việt Hà, xã Việt Hồng. |
Hiện, trên địa bàn huyện Bắc Quang có 6.061,7 ha cam, quýt. Dự kiến sản lượng cam niên vụ 2018 – 2019 ước đạt 45.000 tấn trên tổng diện tích hơn 5.000 ha cho thu hoạch. Để góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm cam Sành, huyện Bắc Quang đã thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm bằng nhiều hình thức, như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, in, phát tờ rơi, tập gấp giới thiệu sản phẩm cam Bắc Quang và trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trọng điểm và hội nghị kết nối cung, cầu do các tỉnh, thành phố tổ chức… Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền huyện và Hội Trồng cam Bắc Quang, Hợp tác xã (HTX) Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc còn liên hệ, tìm kiếm địa điểm tiêu thụ sản phẩm cam Sành tại chợ đầu mối hoa quả, hội chợ xúc tiến thương mại thành phố Hà Nội và thuê 1 gian hàng trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm tại Chợ Rau - Quả (số 489, Hoàng Quốc Việt, thành phố Hà Nội). Đồng thời, đăng ký tham gia Chợ OCOP tỉnh Quảng Ninh Xuân 2019...
Đặc biệt, ngay tại địa bàn huyện Bắc Quang, niên vụ này, cơ sở chế biến tinh dầu cam công suất 2 tấn cam/ngày của Công ty TNHH một thành viên Việt Nhi, thôn Khuổi Niếng (xã Đông Thành) dự kiến thu mua trên 100 tấn cam nguyên liệu phục vụ chế biến tinh dầu và tiêu thụ khoảng 2.000 tấn cam tại các cửa hàng nước ép của thành phố Hà Nội. Còn cơ sở chế biến tinh dầu cam và cốt cam công suất 5 tấn cam/ngày của HTX Phú Vinh (thị trấn Việt Quang) dự kiến thu mua trên 2.000 tấn cam cho người sản xuất. Qua đó, không chỉ tạo nên sản phẩm mới từ cam mà còn trở thành địa chỉ uy tín tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất ngay tại vùng lõi cam Sành.
Cùng với kết quả trên, cuối tháng 12.2018 (trước chính vụ thu hoạch cam Sành khoảng 10 ngày), tại xã Vĩnh Hảo – vùng trọng điểm về cam của huyện diễn ra Hội nghị kết nối khách hàng. Qua hội nghị này, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang kỳ vọng sẽ kết nối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm cam Sành của HTX, hộ trồng cam trên địa bàn huyện. Đồng thời, tiến hành ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cam; cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chăm sóc cam Sành niên vụ tiếp theo...
Gìn giữ danh tiếng cam Sành
Đi liền với công tác xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang chính là uy tín, danh tiếng, thương hiệu cam Sành trên địa bàn huyện không ngừng được gìn giữ, phát huy. Hiện, toàn huyện có 11 vùng sản xuất cam thuộc các xã trọng điểm như: Vĩnh Hảo, Tiên Kiều, Việt Hồng, Đông Thành,… được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp mã số vùng sản xuất cam. Thay vì mở rộng diện tích cam trồng mới; cấp ủy, chính quyền huyện khuyến khích người dân tập trung đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích chăm sóc theo quy trình VietGAP, hữu cơ để nâng cao năng suất, tăng giá trị và chất lượng sản phẩm; đến nay, toàn huyện có 2.315,4 ha cam sản xuất theo quy trình VietGAP. Điều này đã thúc đẩy quá trình tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện, theo hướng chuyển từ hộ sản xuất riêng lẻ sang gắn kết nhiều hộ để hình thành Tổ hợp tác, HTX sản xuất cam VietGAP; tạo mối liên kết giữa các cơ sở, hình thành vùng sản xuất cam an toàn, tập trung. Anh Đặng Văn Lích, thôn Việt Hà (xã Việt Hồng) chia sẻ: “Không chỉ sản xuất cam theo quy trình VietGAP, người trồng cam như chúng tôi còn dành cả tâm huyết, trách nhiệm để mang đến khách hàng sản phẩm cam Sành uy tín, chất lượng. Bởi sự uy tín, chất lượng luôn đi liền với giá trị kinh tế mà người trồng cam có được”…
Không dừng ở kết quả trên, huyện Bắc Quang đã có sản phẩm cam tiêu chuẩn đóng hộp, có nhãn mác, tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm cam Sành sản xuất theo quy trình VietGAP. Điều này nhằm giúp doanh nghiệp, HTX, người trồng cam giữ vững thương hiệu cam Sành, nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và tạo niềm tin với người tiêu dùng. Dự kiến niên vụ này, huyện Bắc Quang in trên 5.000 hộp đựng cam Sành, theo mẫu của Sở Công thương và đăng ký làm 75.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Có thể khẳng định, cùng với công tác xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cam Sành của cấp ủy, chính quyền sở tại thì uy tín, thương hiệu cam Sành Hà Giang chính là yếu tố then chốt, chiến lược để sản phẩm vươn xa cùng thị trường và mãi là “thương hiệu vàng” trong lòng khách hàng.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc