Tạo sức vươn cho các thôn đặc biệt khó khăn ở xã Hữu Sản
BHG - Cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo từ cấp ủy, chính quyền huyện, một đề án quan trọng của UBND huyện Bắc Quang ra đời. Dù chưa có tiền lệ và khuôn mẫu thực hiện, nhưng Đề án Phát triển KT-XH các thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) xã Hữu Sản, giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2030 là minh chứng thuyết phục gắn kết ý Đảng, lòng dân để ươm mầm phát triển tại 4 thôn ĐBKK, gồm: Đoàn Kết, Trung Sơn, Thượng Nguồn và Khuổi Luồn.
Người dân xã Hữu Sản chăm sóc cây keo giống thực hiện chiến lược chuyển đổi đất vườn, đồi tạp sang trồng rừng kinh tế. Ảnh: THU PHƯƠNG |
Hiện nay, 4 thôn ĐBKK của xã Hữu Sản có 274 hộ với 1.358 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Pà Thẻn, Tày, Dao (chiếm 50,3% dân số toàn xã). 95% lao động chủ yếu làm nghề sản xuất nông, lâm nghiệp nhưng nhỏ lẻ, manh mún mang tính tự cung, tự cấp cao; số hộ nghèo, cận nghèo chiếm 45,9%; tỷ lệ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh còn khiêm tốn, dưới 40%. Cùng với khó khăn trên, cơ sở hạ tầng thiết yếu tại 4 thôn ĐBKK chưa được đầu tư, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển KT-XH chung của khu vực. Trong đó, mới có 13,2 km/20,2 km đường trục xã nối đến trung tâm các thôn được cứng hóa; còn đường nội thôn là đường đất. Hơn nữa, trên trục đường đi thôn Trung Sơn và Khuổi Luồn có 2 suối chạy cắt ngang đường, hiện chưa có cầu hay cống thoát nước khiến việc di chuyển của người dân thêm khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Cùng với đó, hệ thống điện sinh hoạt tại 4 thôn ĐBKK chưa được nhà nước đầu tư, do khoảng cách từ đường dây cao thế đến điểm hạ thế xa trung tâm các thôn nên chi phí đầu tư rất lớn... Không những vậy, toàn khu vực có đến 37 hộ sống rải rác trên các triền đồi, xa trung tâm thôn và là khu vực có nguy cơ sạt lở...
Xuất phát từ thực tiễn trên, thay vì nghị quyết hay kế hoạch phát triển KT-XH tại 4 thôn ĐBKK của cấp ủy, chính quyền xã Hữu Sản, tháng 8.2018, Đề án Phát triển KT-XH các thôn ĐBKK xã Hữu Sản, giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2030 của UBND huyện Bắc Quang chính thức đi vào cuộc sống. Điều này cho thấy sự sâu sát cơ sở và quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang nhằm đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân các thôn trên từng bước thoát khỏi tình trạng ĐBKK. Đồng thời, thúc đẩy sự chuyển biến về trình độ sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; nâng tỷ lệ độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái; giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề ở nông thôn. Từng bước đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH trong vùng theo tiêu chí Nông thôn mới...
Được biết, Đề án trên có tổng kinh phí hơn 8,5 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp 5,4 tỷ đồng, số còn lại do nhân dân đối ứng kinh phí mua cây giống trồng rừng sau khai thác, sản xuất thâm canh và đóng góp ngày công, vật liệu làm đường bê-tông nông thôn. Để thực hiện thành công Đề án, UBND huyện Bắc Quang đã có những giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện của thôn. Thực tế cho thấy, 4 thôn ĐBKK có diện tích đất rộng, chiếm 38,2% diện tích đất toàn xã nhưng chủ yếu đất đồi dốc, phù hợp để phát triển kinh tế vườn rừng gắn trồng cỏ, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hơn nữa, giao thông chưa thuận lợi, xa nơi tiêu thụ nên chỉ phù hợp phát triển hàng hóa với các loại cây trồng, vật nuôi dễ bảo quản để vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Do vậy, một trong những mục tiêu được kỳ vọng từ Đề án chính là chiến lược trồng 270 ha rừng kinh tế trên đất vườn, đồi tạp và trồng rừng sau khai thác. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, lựa chọn các loại cây, con có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất như: Cây keo lai, nuôi lợn, dê, gà địa phương, trồng cỏ VA06, cỏ Ghinê nuôi đại gia súc... Đồng thời, triển khai sản xuất thâm canh, đưa năng suất lúa lên 56,6 tạ/ha, năng suất ngô đạt 36,2 tạ/ha.
Trước mục tiêu: Mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5%/năm trở lên; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 18 triệu đồng (tăng gần 3 triệu đồng so với năm 2018); giải pháp cho công tác này được chính quyền địa phương xác định chính là lồng ghép nguồn vốn dạy nghề hàng năm để tổ chức đào tạo nghề cho nông dân biết cách làm kinh tế hàng hóa, nâng cao thu nhập. Đồng thời, UBND huyện Bắc Quang cũng giao nhiệm vụ cụ thể để chính quyền sở tại thực hiện tiêu chí giảm nghèo. Đó là xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ cho mỗi cán bộ, công chức xã phụ trách 1 hộ trong kế hoạch giảm nghèo; hàng năm, thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, giúp đỡ, hướng dẫn phát triển kinh tế thoát nghèo. Đồng thời, xã Hữu Sản tiến hành thành lập 4 tổ công tác phụ trách, chỉ đạo 4 thôn phát triển kinh tế. Trong đó, phân công đồng chí Bí thư, các Phó Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng với sự tham gia của thành viên là cán bộ, công chức xã gắn với phụ trách chỉ đạo hộ nghèo của thôn...
Đặc biệt, đối với mục tiêu tổ chức quy tụ dân cư cho 37 hộ (trong đó 18 hộ ổn định tại chỗ và 19 hộ di chuyển đến nơi ở mới); giải pháp được đưa ra chính là tận dụng tối đa quỹ đất chưa sử dụng của địa phương để bố trí cho phù hợp với số hộ chuyển đến. Cùng với đó, MTTQ và các đoàn thể từ xã đến thôn tập trung tuyên truyền sâu rộng tới các hộ thuộc diện di chuyển nhằm tạo sự đồng thuận cao trước khi tổ chức thực hiện. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ trong thôn, trong dòng họ tự thỏa thuận, trao đổi đất cho nhau để làm nhà ở...
Có thể khẳng định, Đề án Phát triển KT-XH các thôn ĐBKK xã Hữu Sản, giai đoạn 2018 –2020 và định hướng đến năm 2030 chính là minh chứng sinh động cho “cầu nối” ý Đảng, lòng dân để tương lai không xa, Đoàn Kết, Trung Sơn, Thượng Nguồn và Khuổi Luồn từng bước thoát khỏi tình trạng ĐBKK.
HOÀNG DINH (Trường Chính trị tỉnh)
Ý kiến bạn đọc