Bắc Quang đẩy mạnh phát triển cây cam Sành theo hướng VietGap
BHG - Là địa phương có diện tích cam Sành lớn nhất, nhì của tỉnh; việc tìm hướng phát triển cam Sành bền vững là nhiệm vụ quan trọng của huyện Bắc Quang trong suốt thời gian qua.
Mô hình trồng cam theo hướng VietGAP của gia đình chị Trần Thị Ao, thôn Vĩnh Chính, xã Vĩnh Hảo. |
Có thể khẳng định, cam Sành Hà Giang từ lâu đã trở thành thương hiệu được người tiêu dùng trong cả nước biết đến. Sản phẩm cam Sành có màu vàng sáng, quả mọng nước, vị ngọt đậm; nhận thấy hiệu quả kinh tế, huyện Bắc Quang đã xác định phát triển cây cam Sành là giải pháp quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và là cây kinh tế “mũi nhọn” của địa phương nên đã quan tâm chỉ đạo đầu tư đưa cam Sành trở thành cây thế mạnh chủ lực của huyện. Cùng với việc phát triển diện tích cam theo hướng hàng hóa, huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động người trồng cam tuyệt đối tuân thủ các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; đảm bảo sản phẩm sạch, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Vĩnh Hảo là xã có diện tích cam Sành lớn của huyện Bắc Quang, với gần 400 ha và được trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Qua thực tế cho thấy, hiệu quả từ các mô hình trồng cam VietGap bước đầu đã thay đổi nhận thức, thói quen sản xuất cũ của nông dân; giúp cho cây cam phát triển bền vững trên vùng đất Vĩnh Hảo. Ở đây, quy trình chăm sóc cam được tuân thủ nghiêm ngặt, có kiểm soát đối với vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo an toàn cho môi trường cũng như nâng cao chất lượng, sản lượng của loại cây này. Từ đó, năng suất, sản lượng cam cũng tăng dần lên, chất lượng mẫu mã đồng đều. Đến nay, xã Vĩnh Hảo thành lập được Chi hội trồng cam, 100% số thôn trong xã đều thành lập Tổ trồng cam và xã có 1 HTX sản xuất cam VietGap (đây là một trong những HTX lớn nhất đưa cam Sành Hà Giang ra thị trường…).
Không riêng Vĩnh Hảo, mà hiện nay các xã: Việt Hồng, Tiên Kiều, Vĩnh Phúc, Đông Thành,... đều là những vùng sản xuất cam Sành hàng hóa của huyện Bắc Quang đã thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Bắc Quang Nguyễn Văn Chung, cho biết: Diện tích cam toàn huyện được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap hơn 1.500 ha; hiện huyện tiếp tục tuyên truyền và chỉ đạo bà con chăm sóc đúng theo quy trình VietGap, đồng thời phối hợp với UBND các xã mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và bảo quản cam cho nông dân. Đồng thời tổ chức các hội thảo về hợp tác đầu tư và kỹ thuật,… nhằm giúp người nông dân từng bước thay đổi nhận thức, hành động trong áp dụng các phương thức sản xuất mới; đặc biệt đối với cây cam Sành.
Bài, ảnh: Bùi Hương
Ý kiến bạn đọc