Phát triển bền vững cam Sành
BHG - Hiện nay, tổng diện tích cam, quýt toàn tỉnh đã cao gấp 1,8 lần so với mục tiêu Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Theo dự báo từ cơ quan chuyên môn, niên vụ 2018 – 2019, sản lượng cam ước đạt trên 50.000 tấn. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong công tác quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm cam. thực tế sản xuất cam Sành hiện nay cũng bộc lộ những “nút thắt” cần tháo gỡ.
Lãnh đạo xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) kiểm tra sự phát triển của cam Sành. |
Nhận diện khó khăn, hạn chế
Cam Sành là một trong những cây, con chủ lực trong chiến lược tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, được trồng tập trung tại 3 huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình. Hiện nay, tổng diện tích cam toàn tỉnh lên đến 9.023 ha – cao gấp 1,8 lần so với mục tiêu Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh là ổn định diện tích cam, quýt kinh doanh đạt 5.000 ha. Trong đó, diện tích cam Sành chiếm 78,24%; cam Vinh và một số giống cam khác chiếm 21,76%.
Không thể phủ nhận, sản xuất cam đã giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững hoặc trở thành triệu phú, tỷ phú từ cam Sành. Thế nhưng, diện tích cam phát triển quá nhanh trong khi người dân chưa chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Do vậy, ngành Nông nghiệp khuyến cáo các huyện trọng điểm về cam không phát triển mới diện tích, tránh thiệt hại cho người sản xuất khi chưa mở rộng thị trường tiêu thụ. Thay vào đó là giữ ổn định diện tích cam hiện có để tập trung nâng cao chất lượng, năng suất quả - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nguyễn Đức Vinh cho biết.
Cùng với hạn chế trên, cơ quan chuyên môn của tỉnh cũng chỉ ra không ít khó khăn, hạn chế trong sản xuất cam Sành hiện nay. Trong đó, sản phẩm cam đã được khôi phục nhưng phát triển chưa ổn định và bền vững từ năng suất, đến giá bán và thị trường tiêu thụ. Nhiều Hợp tác xã (HTX), Tổ sản xuất cam VietGAP chưa xây dựng Quỹ để duy trì hoạt động; chưa hình thành nguồn kinh phí phục vụ duy trì, tái cấp lại Giấy chứng nhận VietGAP. Hơn nữa, một số cơ sở được cấp Chứng nhận VietGAP chưa thường xuyên duy trì ghi chép nhật ký về quá trình sản xuất cam theo quy định. Không những vậy, mối liên kết giữa hộ trồng cam, cơ sở sản xuất cam VietGAP trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Điều này dẫn đến thực trạng tự phát trong thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm và chưa có sự liên kết chặt chẽ với cơ sở đầu mối doanh nghiệp tiêu thụ cam Sành Hà Giang. Thêm vào đó, giá cam VietGAP chưa cao hơn giá cam thông thường nên chưa khuyến khích người dân trồng, chăm sóc theo hướng VietGAP…
Cùng với khó khăn, hạn chế trên, hiện nay, chưa có tổ chức, cá nhân nào trong vùng Chỉ dẫn địa lý cam Sành Hà Giang đến cơ quan chuyên môn để làm thủ tục, hồ sơ đăng ký quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý, mặc dù đã được tuyên truyền về sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” dùng cho sản phẩm cam Sành.
Hướng đến phát triển bền vững
Tính đến hết năm 2017, tại 3 huyện trọng điểm về cam đã có 59 HTX, Tổ sản xuất cam Sành theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp Chứng nhận VietGAP trên tổng số 2.756,1ha; có 2.493 hộ/7.700 hộ/3 huyện sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Thực tế cho thấy, cam Sành Hà Giang đã từng bước khẳng định uy tín trên thị trường, được người tiêu dùng lựa chọn và đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.
Để phát triển bền vững cam Sành Hà Giang, UBND tỉnh và các huyện trọng điểm về cam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ người trồng cam. Thêm vào đó, qua công tác xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, cam Sành Hà Giang đã đến với người tiêu dùng các tỉnh phía Nam; tạo thị trường tiêu thụ rộng hơn cho sản phẩm chủ lực của tỉnh. Nối tiếp kết quả này, niên vụ 2018 – 2019, Sở Công thương đã đăng ký tham gia hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm (dự kiến diễn ra trong quý IV năm 2018) tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội với các tỉnh, thành phố; tổ chức Tuần lễ cam Sành Hà Giang tại TP. Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Hội chợ FoodExpo TP. Hồ Chí Minh; tổ chức Tuần lễ cam Sành Hà Giang tại Hà Nội… Đồng thời, có kế hoạch triển khai dán tem điện tử bằng mã Qr-code truy xuất nguồn gốc sản phẩm cam Sành Hà Giang trên điện thoại thông minh; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cam Sành Hà Giang, tạo niềm tin với người tiêu dùng cả nước.
Đặc biệt, nhằm khắc phục hạn chế, tiếp tục phát triển bền vững sản phẩm cam Sành Hà Giang niên vụ 2018 – 2019 và niên vụ tiếp theo, tại Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp phát triển bền vững cam Sành Hà Giang, diễn ra trong tháng 9 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các huyện trọng điểm về cam và cơ quan chuyên môn của tỉnh. Qua đó, nhằm hướng đến những giải pháp đổi mới, bứt phá, cải tiến hơn trong công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cam Sành Hà Giang; cũng như việc phát huy giá trị Chỉ dẫn địa lý cam Sành Hà Giang và vai trò của Chi hội, Hiệp hội, HTX sản xuất cam. Từng bước tạo nên hệ thống vườn cam mẫu quy chuẩn theo tiêu chí và áp dụng kỹ thuật đồng nhất để tạo ra những sản phẩm đồng nhất, vượt trội so với sản phẩm cam thông thường tại các xã, huyện trồng cam. Hơn nữa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến còn chỉ đạo cơ quan chuyên môn đề xuất giải pháp thúc đẩy các cơ sở chế biến nước hoa quả trên địa bàn tỉnh, tham gia tiêu thụ sản phẩm cam niên vụ 2018 – 2019. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng chuỗi các nhà tiêu thụ sản phẩm cam Sành Hà Giang ổn định từ trong tỉnh đến ngoài tỉnh…
Có thể khẳng định, từ việc nhận diện khó khăn, đến sự lãnh, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của chính quyền tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và người trồng cam tiếp tục là động lực nâng tầm uy tín, giá trị thương hiệu cam Sành Hà Giang.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc