"Chìa khóa" tạo đồng thuận trong xây dựng Nông thôn mới ở Mèo Vạc
BHG - Sau hơn 7 năm thực hiện xây dựng Nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn ở Mèo Vạc đang từng bước “thay da, đổi thịt”. Phong trào xây dựng NTM có sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp “miền đá” ngày một đổi mới, cuộc sống ấm no đang hiện hữu khắp xóm làng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng để có được kết quả như hôm nay, công tác tuyên truyền được xem là “chìa khóa” giúp địa phương tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Nhân dân xã Tát Ngà chung sức bê-tông hóa đường giao thông nội thôn. |
Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, Mèo Vạc đã chỉ rõ khó khăn, đó là nguồn lực hạn hẹp, nội lực trong dân hạn chế. Vì vậy, để tạo sự đồng lòng và phát huy sức dân, địa phương đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động; coi đây là khâu quyết định trong xây dựng NTM. Theo đó, huyện đã giao Ủy ban MTTQ và các khối đoàn thể phối hợp với Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các xã chức tổ chức tuyên truyền thông qua các buổi họp chợ, họp chi bộ, họp thôn. Do đó, nhận thức của người dân thay đổi rõ rệt, đặc biệt trong công tác vệ sinh môi trường, việc chỉnh trang khuôn viên nhà ở; cho con em trong độ tuổi đến trường. Đồng thời, phát động các phong trào thi đua đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn, như: Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2017-2020; phong trào “5 không, 3 sạch”, “Xanh - Sạch - Đẹp”, “Thanh niên khởi nghiệp”, “Nông dân dạy nông dân làm kinh tế”, “Hộ gia đình Cựu chiến binh đảm bảo vệ sinh môi trường và giữ gìn an ninh nông thôn”… Kết quả, đã tổ chức ra quân chung sức xây dựng NTM được 28 lượt, với trên 3.500 người tham gia; tổ chức quyên góp được 108 triệu đồng, huy động người dân hiến 26.762 m2 đất, đóng góp trên 11 nghìn ngày công, mở mới trên 13 km và nâng cấp trên 48 km đường trục thôn, liên thôn...
Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Do trình độ dân trí còn hạn chế, đời sống nhân dân khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao đã ảnh hưởng lớn đến công tác vận động người dân chung tay xây dựng NTM. Bên cạnh đó, dân cư sống rải rác, xa trung tâm huyện, xã; tiếng phổ thông chưa thành thạo cũng là “rào cản” trong công tác tuyên truyền. Mặt khác, một số bộ phận người dân chưa thực sự hiểu sâu về xây dựng NTM, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước; việc tham gia hiến đất mất nhiều thời gian vận động; ý thức chưa cao trong việc đóng góp ngày công thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn. Tuy nhiên, bằng việc đổi mới, linh hoạt trong cách thức, nội dung tuyên truyền, như: Chỉ rõ lợi ích của người dân và nêu rõ những việc người dân cần làm; đưa người dân trực tiếp tham gia bàn bạc, kiểm tra… nên từng bước tạo sự đồng thuận trong dân. Một số địa phương trong huyện đã chủ động thực hiện các nội dung, không cần đến sự đầu tư của Nhà nước và có sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, như: Mô hình không tảo hôn, không sinh con thứ 3, đảm bảo duy trì sỹ số học sinh các bậc học; xây dựng nhà sạch, vườn đẹp; xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn...
Thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà - một trong những địa bàn được huyện Mèo Vạc chọn thực hiện xây dựng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM. Với việc cấp ủy, chính quyền xã tích cực vận động nhân dân vào cuộc cùng chung tay xây dựng NTM, người dân đã đóng góp nhân lực, vật lực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, bê-tông hóa đường làng, ngõ xóm đến từng nhóm hộ. Đồng chí Hà Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Tát Ngà cho biết: Xã tích cực vận động nhân dân xây dựng NTM, trong đó chú trọng hoàn thiện hệ thống giao thông và phát triển các mô hình kinh tế để nâng cao thu nhập; chỉnh trang nhà cửa, cảnh quan; đầu tư phát triển du lịch Homstay. Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong thôn đang ngày một cải thiện.
Để tiếp tục tạo sự lan tỏa trong thực hiện xây dựng NTM, huyện Mèo Vạc đang tích cực tuyên truyền, huy động cán bộ, công chức, viên chức đóng góp một ngày lương vào Quỹ xây dựng NTM. Đồng thời, tiếp tục huy động mọi nguồn lực xây dựng bộ mặt nông thôn với mục tiêu có kết cấu hạ tầng KT – XH phát triển; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; môi trường, sinh thái được cải thiện; an sinh xã hội đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; hệ thống chính trị vững mạnh, xã hội ổn định; trật tự xã hội, AN – QP được giữ vững.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc