Sau hơn 2 năm thực hiện trồng rừng kinh tế gắn phát triển dược liệu ở Bắc Mê

16:46, 30/08/2018

BHG - Nhằm cụ thể hóa 2 khâu đột phá, 3 chương trình trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ huyện, Bắc Mê đã ban hành nghị quyết chuyên đề về trồng rừng kinh tế gắn với phát triển dược liệu. Sau hơn 2 năm triển khai, những tiềm năng kinh tế từ cây dược liệu mang lại đang mở hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.

Vườn Đương quy xã Phiêng Luông được trồng, chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn, đảm bảo cung cấp nguồn dược liệu sạch.
Vườn Đương quy xã Phiêng Luông được trồng, chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn, đảm bảo cung cấp nguồn dược liệu sạch.

Thực tế cho thấy, những năm qua, huyện Bắc Mê đã quản lý chặt chẽ diện tích đất lâm nghiệp, chuyển sang trồng rừng kinh tế gắn với phát triển cây dược liệu; tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp; đẩy mạnh hợp tác, liên kết, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả cao; lựa chọn cây giống phù hợp, bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tiến tới xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm đặc sản của địa phương như: Tinh dầu hồi, quế và tinh bột nghệ. Đồng thời, khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện để người dân được bồi dưỡng, tập huấn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng dược liệu, từ đó tăng thu nhập và từng bước nâng cao mức sống, nhất là ở các địa bàn khó khăn.

Từ chủ trương, chính sách của huyện, anh Hứa Hữu Thành, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) đã đầu tư trên 500 triệu đồng, trồng hơn 3 ha dược liệu tại xã Phiêng Luông gồm các giống: Đương quy, Ấu tẩu, Tam thất. Đến nay, vườn dược liệu của anh sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, huyện Bắc Mê đặt mục tiêu đến năm 2020, diện tích rừng trồng đạt 1.500 ha; mở rộng địa bàn trồng cây Hồi tại các xã: Đường Âm, Đường Hồng, Phú Nam… nâng diện tích lên 350 ha vào năm 2020. Ngoài ra, huyện tập trung phát triển các loài cây có tính chất dược liệu, các loài cây dược liệu bản địa như: Nghệ, gừng, Đinh lăng, Khúc khắc, Bình vôi, Thiên niên kiện; tiếp tục khảo nghiệm một số cây dược liệu như Tam thất, Atiso, cây Nưa; chủ động liên kết với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất cây dược liệu. Đến nay, toàn huyện trồng mới được 1.332 ha rừng, đạt gần 89% nghị quyết; diện tích cây Hồi 214 ha, đạt 61% nghị quyết (156 ha đã cho thu hoạch, đạt trên 50 triệu đồng/ha/năm); trồng mới 399 ha nghệ, thu nhập bình quân khoảng 120 triệu đồng/ha và một số cây dược liệu khác được 8 ha.

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Củng Thị Mẩy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tổ chức rà soát diện tích đất đã giao cho hộ dân nhưng không sử dụng để thu hồi, điều chỉnh cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng vào mục đích trồng rừng gắn với phát triển cây dược liệu. Đối với diện tích đất thuộc cộng đồng quản lý, đủ điều kiện trồng rừng và cây dược liệu, huyện tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư với hình thức cho thuê đất hoặc mượn đất với thời hạn lâu năm để trồng và xây dựng cơ sở chế biến.

Cùng với các lĩnh vực khác, trồng rừng kinh tế gắn với phát triển cây dược liệu đang mở hướng đi mới tại địa phương, từng bước giúp người dân nâng cao đời sống.

Bài, ảnh: VĂN QUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xây dựng phong cách làm việc theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở Đảng bộ thị trấn Vinh Quang

BHG - Phát huy kết quả đạt được sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Đảng bộ thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) đã tập trung đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" chuyên đề năm 2018: Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên (CBĐV). Trong đó, tập trung vào những vấn đề liên quan đến tác phong làm việc của CBĐV gắn với thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị và các phong trào thi đua ở địa phương, nhằm tạo chuyển biến căn bản, mang lại hiệu quả thiết thực. 

 

30/08/2018
Những "cánh chim" đầu đàn lĩnh vực sản xuất công nghiệp nông thôn

BHG - Khai thác tiềm năng, lợi thế để vươn lên... luôn được tỉnh ta chú trọng để sản xuất, xây dựng những sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng. Trên cơ sở đó, việc cổ vũ, thúc đẩy xây dựng các sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT)...

 

30/08/2018
Những bước chuyển mạnh mẽ từ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

BHG - Những cây, con chủ lực, có thế mạnh như: Trâu, bò, ong và cây cam, chè, dược liệu đã trở thành "hạt nhân" quan trọng trong chiến lược tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (TCCNNN) của tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020 (ĐA). Qua đó, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao giá trị cũng như sự đóng góp của ngành Nông nghiệp trong phát triển KT-XH của tỉnh; tăng thu nhập cho nông dân, giảm nghèo bền vững…

 

30/08/2018
Triệu phú "bò" trên miền đá

BHG - Đó là câu nói quen thuộc người dân địa phương dành cho ông Hờ Mí Chơ, thôn Há Chế, xã Sủng Trà (Mèo Vạc) bởi thành tích vươn lên làm giàu nhờ nuôi bò sinh sản. Sinh năm 1965, là người dân tộc Mông và tham gia làm Công an viên của xã Sủng Trà được 17 năm (1996-2013); ông Chơ được mọi người biết đến không chỉ là một đảng viên gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động của thôn, mà còn lao động, sản xuất giỏi. Vốn xuất thân từ gia đình nông dân, sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng ngô và chăn nuôi gia súc; nên ngay từ khi còn nhỏ...

29/08/2018