Hữu Vinh - "miệt vườn" trên "Công viên đá"
BHG - “Miệt vườn” – cụm từ chỉ vùng đất phù sa rộng lớn, có nhiều cây ăn quả, dân cư đông đúc và thường ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng nay, khi đặt chân đến vùng đất Hữu Vinh (Yên Minh), mọi người được đắm mình trong những vườn xoài, vải, dứa, hồng... đan xem nhau, rất thơ mộng.
Nằm bên trục Quốc lộ 4C, các thôn Bản Vàng, Khai Hoang Bản Vàng của xã Hữu Vinh đang sở hữu hơn 20 ha cây ăn quả. Với khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp trồng các loại cây ăn quả như: Xoài, vải, dứa và người dân có kinh nghiệm lâu năm nên xã Hữu Vinh đã vận động bà con tham gia mô hình trồng cây ăn quả tập trung để phát huy những lợi thế sẵn có.
Theo đồng chí Phạm Văn Dưỡng, Phó chủ tịch UBND xã: Thực hiện phương án của UBND huyện về xây dựng Hữu Vinh trở thành điển hình phát triển kinh tế nông nghiệp, gắn với xây dựng Nông thôn mới đến năm 2020, xã đã tập trung vào một số nhiệm vụ chính, trong đó tích cực chuyển đổi diện tích vườn, đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả; mở rộng diện tích, hình thành vùng cây ăn quả tập trung, gắn với phát triển du lịch nhà vườn ở một số thôn vùng thấp như Bản Vàng, Khai Hoang Bản Vàng; lựa chọn 3 hộ làm điểm về du lịch nhà vườn. Các loại cây ăn quả chủ yếu được trồng gồm: Hồng không hạt, lê, xoài… Ngoài ra, dưới những tán cây ăn quả, xã vận động nhân dân trồng thêm dứa, ổi để nâng cao hệ số sử dụng đất và giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác. Từ những hộ ban đầu, hiện có 10 hộ tham gia mô hình với hơn 20 ha cây ăn quả các loại.
Vườn cây ăn quả của gia đình bác Vàng Mìn Pao, thôn Bản Vàng, xã Hữu Vinh đang thời kỳ cho thu hoạch. |
Liên tục có sản phẩm bán ra thị trường, năng suất cao, giá thành cao... đó là những cảm nhận của người dân tham gia mô hình trồng cây ăn quả tập trung của xã. Bác Vàng Mìn Pao, thôn Bản Vàng cho biết: "Nắm bắt chủ trương của địa phương, gia đình tôi đã chuyển những diện tích đất vườn bỏ hoang, trồng được 4 ha cây ăn quả. Ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn, bởi trồng cùng lúc nhiều loại cây nên khó chăm sóc, nhưng sau đó được xã hướng dẫn kỹ thuật và được đi tập huấn tại các tỉnh khác, tôi đã làm chủ được quy trình trồng, chăm sóc cây ăn quả. Với 4 ha cây ăn quả hiện có, mỗi năm gia đình có nguồn thu hàng trăm triệu đồng". Bác Lưu Văn Tắn, thôn Khai Hoang Bản Vàng tâm sự: "Gia đình trồng xoài từ năm 1997, ngay khi xã có chủ trương, tôi đã đăng ký và chuyển đổi diện tích và hiện có hơn 3 ha cây ăn quả. Quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch được thực hiện nghiêm ngặt như: Đối với cây ổi, sau mỗi lần thu hoạch cần cắt tỉa cành, khi có quả cần bọc túi ni – lông để tránh sâu và có mẫu mã đẹp; cây hồng cần chăm sóc và bón phân thường xuyên; cây dứa ít công chăm sóc hơn, đặc biệt còn giảm thiểu được việc xới cỏ. Cây ăn quả được trồng xen canh nên cho quả vào những thời điểm khác nhau, tạo nguồn thu ổn định cho gia đình. Mỗi ngày gia đình thu từ 2 – 3 tạ quả, ngày cao điểm bán được 6 – 7 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình triển khai mô hình “nhà vườn” để du khách có thể nghỉ dưỡng và trải nghiệm, trực tiếp thu hái, chăm sóc cây ăn quả".
Từ những kết quả trên, xã tiếp tục vận động bà con cải tạo giống xoài địa phương; hỗ trợ trồng thêm hơn 1 nghìn gốc mít Thái ruột vàng; thành lập Hợp tác xã Cây ăn quả Hữu Vinh, đăng ký xuất xứ và có mã truy xuất nguồn gốc... Và được đắm mình trong những vườn cây ăn trái, của “miệt vườn” giữa mênh mông đá núi thực sự là trải nghiệm vô cùng thú vị đối với mỗi du khách khi đặt chân đến vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.
Bài, ảnh: Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc