Bắc Mê, nhiều chính sách khuyến khích chăn nuôi theo hướng hàng hóa
BHG - Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực đầu tư cho phát triển cũng như diễn biến phức tạp về thời tiết, khí hậu,... nhưng những năm qua, huyện Bắc Mê đã có nhiều chính sách khuyến khích nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa; góp phần cải thiện đời sống, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững.
Chăn nuôi trâu, bò hàng hóa, một trong những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao đang được nông dân huyện Bắc Mê nhân rộng. |
Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU của BCH Đảng bộ huyện khóa IX về phát triển đàn trâu, bò hàng hóa tập trung theo vùng, giai đoạn 2016 -2020. Đến nay, các mô hình chăn nuôi tại huyện đã, đang được mở rộng quy mô, từng bước áp dụng hình thức chăn nuôi trang trại và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; nhờ đó, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo tại xã Lạc Nông, Minh Sơn,… đã được nhân rộng ra, nhiều địa phương trong huyện. Kết quả, toàn huyện có tổng đàn trâu 19.307 con, đạt 97,5% nghị quyết (tăng 6,2% so năm 2015); đàn bò 7.591 con, đạt 91,4% nghị quyết (tăng 5,8% so năm 2015).
Là một trong những xã tiêu biểu trong phong trào phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện, những năm qua, xã Lạc Nông đã triển khai hiệu quả các chương trình, dự án; nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp đã hỗ trợ người dân mở rộng diện tích cỏ chăn nuôi. Cùng đó, huyện còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động vay vốn ưu đãi theo chính sách của Nghị quyết số 209 và 86 của HĐND tỉnh để đầu tư mua con giống. Qua đó, nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng mô hình chăn nuôi lợn, trâu, bò quy mô gia trại theo hướng hàng hóa và mang lại nguồn thu nhập ổn định. Tại thời điểm này, xã Lạc Nông có trên 20 hộ chăn nuôi quy mô từ 10 con trâu, bò trở lên và thu nhập ổn định từ 50 đến 70 triệu đồng/năm. Qua thống kê, xã Lạc Nông hiện có trên 1.800 con trâu, bò và có trên 100 ha đất trồng cỏ. Anh Hầu Mí Giàng, thôn Phia Vèn, xã Lạc Nông chia sẻ: Từ nguồn vốn 70 triệu đồng được huyện hỗ trợ theo chương trình đầu tư có thu hồi, cùng số tiền 70 triệu đồng có được nhờ chăn nuôi đại gia súc trước đây; gia đình đã đầu tư làm chuồng trại, mở rộng diện tích cỏ và mua thêm 10 con bò sắp đến tuổi sinh sản về nuôi; nâng tổng đàn gia súc của nhà lên gần 20 con.
Để từng bước nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, năm 2018, huyện đã ban hành Phương án số 02/PA-UBND về phát triển gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với tổng số 17 gia trại; trong đó, 9 gia trại trâu, bò quy mô 20 con; 5 gia trại chăn nuôi lợn quy mô 100 con trở lên; 3 gia trại chăn nuôi gia cầm quy mô 1.000 con. Đồng thời, bố trí ngân sách huyện hỗ trợ 60% giá trị chuồng trại. Để đàn vật nuôi trên địa bàn phát triển ổn định và ngày càng nâng cao chất lượng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y, Hội Nông dân huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn giúp đỡ, tư vấn cho các hộ dân tham gia các mô hình chăn nuôi bằng cách lai tạo, lựa chọn con giống tốt; chú trọng công tác tiêm phòng dịch bệnh, mở rộng quy mô chăn nuôi, khuyến khích việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của các chương trình, dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi; đặc biệt là chăn nuôi quy mô trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Củng Thị Mẩy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Đề án Chăn nuôi để tận dụng và khai thác hợp lý tiềm năng, thế mạnh của địa phương; chú trọng phát triển chăn nuôi tập trung, hạn chế và xóa bỏ chăn nuôi thả rông trâu, bò để nâng cao chất lượng tổng đàn; tăng cường công tác thú y nhằm tạo điều kiện cho đàn gia súc phát triển, phấn đấu nâng tổng đàn gia súc đạt kế hoạch đề ra. Mặt khác, huyện tiếp tục mở rộng chợ gia súc tại một số địa phương để hướng tới phát triển mạnh mẽ chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, cũng như cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.
Văn Quân
Ý kiến bạn đọc