Kết quả nổi bật sau 3 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp
BHG - Với mục tiêu cốt lõi nâng cao giá trị thu hoạch/ha cây trồng; nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; nâng cao thu nhập cho người dân, qua 3 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cơ cấu nông - lâm nghiệp và thủy sản đã chiếm 30,86%, đạt 93,5% mục tiêu đề ra; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 28,4%, đạt 94,7%; giá trị sản xuất/ha canh tác đạt 43,0 triệu đồng, đạt 86,0%; sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt 397.832 tấn, đạt 94,7%; diện tích chè kinh doanh đạt 20.626,3 ha, đạt 121,3%; sản lượng chè búp tươi 67.532,5 tấn, đạt 79,5%; diện tích cây cam, quýt đạt 8.708,4 ha, sản lượng 40.786,7 tấn; cây dược liệu 7.515,2 ha, đạt 57,7%; tổng đàn trâu 171.184 con, đạt 93,5%; tổng đàn bò 111.859 con, đạt 86%, tăng 5.768 con so với năm 2013; đàn ong 43.171 đàn, đạt 139,3% mục tiêu đề ra; tỷ lệ che phủ rừng 55,57%, đạt 95,8% mục tiêu Đề án...
Nông dân huyện Quang Bình cấy lúa bằng máy. |
Để có nguồn vốn triển khai đề án, Sở Nông nghiệp - PTNT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 209 và 86. Ngay khi nghị quyết được ban hành, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các ngành; các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh; cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở… chính sách đã đi vào cuộc sống, có tác động mạnh đến sản xuất nông, lâm nghiệp. Đến hết tháng 6.2018, toàn tỉnh đã giải ngân được 518.449 triệu đồng cho 5.996 hộ, chiếm 91% số hộ đủ điều kiện vay vốn theo Nghị quyết số 209 và 86. Trong đó, tập trung giải ngân, hỗ trợ đối với cây chè được 3.221 triệu đồng; cây cam 58.544 triệu đồng; dược liệu 1.375 triệu đồng; hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò 376.862 triệu đồng cho 4.668 hộ, với số trâu, bò đã mua 18.308 con; hỗ trợ làm chuồng gia súc 29.497 triệu đồng; nuôi ong 28.160 triệu đồng, cho 303 hộ...
Hệ thống nhà lưới sản xuất rau an toàn tại xã Phương Độ, thành phố Hà Giang. |
Thực hiện đề án, tỉnh đã xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đi đầu trong lĩnh vực này là Trung tâm Khoa học kỹ thuật Giống cây trồng Đạo Đức. Hiện nay, Trung tâm đã chủ động sản xuất, nhân giống và bảo tồn nguồn gen thực vật quý cho tỉnh. Trong đó, đã làm chủ quy trình sản xuất giống khoai Tây, chuối, một số loại hoa và cây dược liệu bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào; xây dựng mô hình sản xuất rau, hoa trong nhà lưới...
Ngoài các cây, con theo đề án, các huyện, thành phố còn phát triển những cây, con phù hợp với điều kiện tự nhiên, lợi thế của từng vùng. Với mục đích chuyển đổi diện tích một số loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao để phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, huyện Bắc Quang đã liên kết với Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) trồng dứa và bao tiêu sản phẩm. Huyện Vị Xuyên tập trung thực hiện mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới và chuyển đổi sang sản xuất lúa thuần chất lượng cao. Toàn huyện đã xây dựng và đi vào sản xuất rau an toàn được 30 nghìn m2/6 xã; doanh thu đạt 5,1 triệu đồng/100 m2/vụ, ước doanh thu từ 8 vụ rau/năm đạt trên 40 triệu đồng/100m2. Để tập trung sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, huyện Quang Bình đã thành lập 4 Tổ sản xuất mạ khay theo hình thức dịch vụ, có áp dụng máy cấy và máy gặt...
Nhằm áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, giảm tổn thất trong nông nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về cơ giới hóa trong nông nghiệp đến năm 2020. Đến nay, toàn tỉnh có 65.747 máy nông nghiệp các loại; tỷ lệ cơ giới hóa bình quân đạt 33,94% so với tổng diện tích canh tác.
Qua 3 năm thực hiện, Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã góp phần tích cực trong phong trào thi đua lao động sản xuất, huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội. Và sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang từng bước thực hiện mục tiêu cốt lõi “Nâng cao giá trị thu hoạch/ha cây trồng, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân”.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc