Sản xuất chè gắn phát triển toàn diện vùng đặc biệt khó khăn ở xã Bản Rịa
BHG - Trong những năm qua, bằng cơ chế hỗ trợ của Nhà nước như: Chương trình 135, Dự án Phân cấp giảm nghèo, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 209, số 86 của HĐND tỉnh và cơ chế đặc thù cho xã phát triển toàn diện vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) đã tạo nguồn lực cho người dân xã Bản Rịa (Quang Bình) tập trung sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, cây chè được định hướng là cây mũi nhọn trong chiến lược giảm nghèo bền vững của địa phương.
Bà con thôn Bản Thín, xã Bản Rịa thu hoạch chè Shan tuyết. |
Là xã ĐBKK, xong Bản Rịa lại có khí hậu, diện tích đồi núi thuận lợi để phát triển cây chè Shan tuyết. Với mục tiêu, thâm canh cây chè theo hướng áp dụng mạnh khoa học công nghệ, nhằm nâng cao giá trị cũng như sức cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và đưa cây chè trở thành cây làm giàu cho người dân. Hiện nay, xã Bản Rịa có tổng diện tích chè là 115 ha, năng suất 24 tạ/ha, sản lượng đạt gần 156 tấn/năm. Năm 2018, xã phấn đấu trồng mới khoảng 50 ha. Để hoàn thành mục tiêu này, xã đã sử dụng giống chè Shan tuyết ươm hạt tại địa bàn, nhằm giảm chi phí vận chuyển và đảm bảo cây giống. Các hộ trồng chè được vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư thâm canh chè, cải tạo diện tích chè già cỗi; với định mức 29 triệu đồng/ha, đối với những diện tích mật độ thưa, bắt buộc phải trồng dặm.
Thôn Bản Thín có 24 ha chè, chủ yếu là chè Shan tuyết; vụ Xuân vừa qua, bà con thu hoạch lứa đầu tiên, giá bán bình quân đạt 8 - 10 nghìn đồng/kg búp tươi. Trong thôn, hầu hết nhà nào cũng có chè, hộ trồng nhiều nhất khoảng 1 ha; nhờ loại cây này mà kinh tế của các gia đình trở nên khấm khá, no đủ hơn. Số tiền thu được, người dân đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để ổn định cuộc sống. Chị Hoàng Thị Nghiệm, Trưởng Nhóm sở thích trồng chè thôn Bản Thín cho hay: “Trong thôn có 10 hộ tham gia Nhóm sở thích trồng chè, họ phải tuân thủ các quy trình về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, đốn chè đúng thời vụ, đưa phân hữu cơ vào cải tạo vườn chè. Có những vùng chè Shan tuyết vài chục năm tuổi, nghiêng mình trên núi cao, tán rộng, vài người hái không xuể. Cây chè phát triển hoàn toàn tự nhiên nên chè búp tươi giá thành cao, sản phẩm chè được ưa chuộng vì vị thơm ngon, đậm đặc”.
Ngoài tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển cho cây chè, xã còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng và mở rộng các nhà xưởng chế biến chè. Ông Hoàng Văn Luận, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chè Thiên Nhiên, thôn Bản Rịa, xã Bản Rịa cho biết: “Năm 2017, HTX được xã cho thuê đất, mở nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền chế biến chè theo công nghệ mới, nhằm tạo ra sản phẩm chè sạch. Trung bình, mỗi ngày chúng tôi thu mua khoảng 3 tạ chè búp tươi, sản xuất 2 loại chè chính gồm: Chè vàng, chè khô uống sẵn. Thị trường tiêu thụ tương đối dễ, chè vàng HTX liên kết với các doanh nghiệp để xuất khẩu sang Trung Quốc, còn chè khô uống sẵn tiêu thụ ở thị trường trong nước. Ngoài ra, HTX đầu tư thêm 1 cơ sở thu mua chè tại thôn Bản Thín; cùng với việc thu mua, xã viên HTX còn hướng dẫn, tư vấn cho người dân về cách chăm sóc, thu hái chè đạt tiêu chuẩn. Sắp tới, chúng tôi dự định quy hoạch vùng chè thôn Bản Măng để sản xuất sản phẩm chè Shan tuyết đặc trưng và nghiên cứu cho ra tem, nhãn, mác thương hiệu chè Bản Rịa trong tương lai không xa”.
Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, việc phát triển cây chè xã Bản Rịa bền vững, ổn định không những cải thiện môi trường sinh thái mà còn giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng chí Lê Tiến Cường, Bí thư Đảng ủy xã Bản Rịa cho biết thêm: “Hiện nay, xã có 233/412 hộ nghèo; năm 2018, sẽ cố gắng giảm 24 hộ. Muốn xã phát triển, thì công cuộc giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. HTX sản xuất chè đầu tiên hình thành tại xã đã tạo động lực rất lớn để người dân mở rộng vùng canh tác chè, giao thương hàng hóa, mang đến cơ hội thoát nghèo cho bà con. Tính đến nay, xã đã có 3 Nhóm sở thích sản xuất chè tại các thôn: Bản Thín, Bản Rịa, Minh Tiến. Với quan điểm phát triển cây chè gắn với giảm nghèo, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền để nhân dân nắm bắt được các chương trình vay vốn phát triển kinh tế và khuyến khích thành lập các Nhóm sở thích trồng chè”.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc