Quang Bình tích cực liên doanh, liên kết trồng rừng kinh tế
BHG - Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng; huyện Quang Bình đã tích cực liên doanh, liên kết trồng rừng kinh tế giữa các đơn vị, doanh nghiệp lâm nghiệp với người dân địa phương. Điều này, đã góp phần phát huy hiệu quả tài nguyên đất rừng, cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân gắn bó với nghề trồng rừng, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn luôn đạt trên 60%.
Ông Nông Văn Thâm (bên trái), thôn Hạ Quang, xã Vĩ Thượng trồng rừng kinh tế hiệu quả. |
Huyện Quang Bình hiện có hơn 50.000 ha đất lâm nghiệp; trong đó, diện tích đất rừng sản xuất gần 30.000 ha. Năm qua, huyện thực hiện trồng mới trên 1.000 ha rừng, với một số loại cây trồng chủ yếu như: Keo, quế, bồ đề, xoan… Khối lượng gỗ tròn khai thác trên diện tích rừng sản xuất ước đạt hơn 7.000 m3; giá trị sản xuất của ngành Lâm nghiệp năm 2017 ước đạt khoảng 90 tỷ đồng.
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế rừng, huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng kinh tế. Cùng với đó, tích cực triển khai các chính sách liên kết trồng rừng kinh tế công nghệ cao, hỗ trợ phát triển lâm nghiệp theo Nghị quyết số 86 của HĐND tỉnh, chính sách ưu tiên phát triển các cơ sở thu mua và chế biến gỗ dán xuất khẩu, gỗ sản xuất bột giấy… Tăng cường kêu gọi, thu hút các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất trồng rừng kinh tế với người dân địa phương. Nhiều hộ dân trên địa bàn đã tích cực chuyển đổi đất nương rẫy kém hiệu quả sang trồng rừng kinh tế; các cơ sở chế biến gỗ phát triển và không ngừng mở rộng quy mô sản xuất; tập trung nhiều tại các xã Tân Bắc, Yên Thành, Tiên Yên, Vĩ Thượng...
Gia đình ông Nông Văn Thâm, thôn Hạ Quang, xã Vĩ Thượng là một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương với việc phát triển kinh tế rừng. Ngoài trồng lúa, ngô và chăn nuôi lợn, gia cầm đảm bảo nhu cầu đời sống; hiện, gia đình ông đang sở hữu gần 7 ha rừng kinh tế, chủ yếu trồng cây Keo, Bồ đề. Bình quân 7 – 8 năm đến kỳ thu hoạch, gia đình ông khai thác tỉa 1 lứa, bán cho các doanh nghiệp, xưởng chế biến lâm sản trên địa bàn, mỗi lứa thu về gần 300 triệu đồng.
Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quang Bình, Nguyễn Văn Hoàng cho biết: Huyện đã thực hiện liên doanh, liên kết với Công ty Hào Hưng Hà Giang trồng rừng kinh tế. Công ty đã xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến gỗ ván ép thanh, ván sợi trong Cụm công nghiệp Tân Bắc với diện tích 24,6 ha, kinh phí trên 15 tỷ đồng; khu sản xuất các loại giống cây trồng công nghệ cao diện tích 6,56 ha; thuê đất trồng rừng kinh tế công nghệ cao làm vùng nguyên liệu lõi với diện tích trên 9.600 ha tại 2 huyện Quang Bình và Xín Mần; thiết lập mô hình liên kết chuỗi với bà con trồng rừng sản xuất. Theo đó, các hộ dân ký hợp đồng với công ty sẽ được hỗ trợ vốn, nguồn cây giống chất lượng cao, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống các bệnh. Đến chu kỳ khai thác, các hộ được bao tiêu sản phẩm với giá thành tương đương giá thị trường.
Đến nay, huyện đã thông tin, tuyên truyền đến người dân quy trình, cách thức thực hiện chuỗi liên kết; niêm yết công khai các chính sách hỗ trợ tại các thôn, bản để người dân theo dõi và đăng ký tham gia; bàn giao gần 3,5 ha đất sản xuất các loại giống cây trồng chất lượng cao cho Công ty Hào Hưng; đồng thời, yêu cầu Công ty đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng tại Cụm công nghiệp Tân Bắc, thực hiện cam kết hỗ trợ vốn, cây giống cho nhân dân, đảm bảo tiến trình liên kết chặt chẽ, bền vững và hiệu quả.
Có thể khẳng định, việc liên doanh, liên kết trồng rừng kinh tế trên địa bàn huyện Quang Bình sẽ góp phần tăng diện tích rừng trồng hàng năm, tăng tỷ lệ che phủ, đảm bảo lợi ích giữa các bên (doanh nghiệp chủ động về nguồn nguyên liệu sản xuất, chế biến, người dân trồng rừng có việc làm, nguồn thu ổn định). Từ đó, góp thêm động lực để người dân gắn bó lâu dài với nghề rừng.
Bài, ảnh: YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc