Nỗ lực thực hiện Đề án "Mỗi xã một sản phẩm" ở Xín Mần
BHG - Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (viết tắt là OCOP) được hiểu là mỗi làng, xã tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương sẽ lựa chọn ra sản phẩm đặc trưng có thế mạnh, tiềm năng để phát triển. Trên cơ sở của Đề án OCOP, huyện Xín Mần đã tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, sản phẩm dịch vụ có lợi thế tại địa phương, có khả năng cạnh tranh trên thị trường để lựa chọn thành sản phẩm tiêu biểu, mang tính hàng hóa. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Hạt Ý Dĩ - sản phẩm đặc trưng của xã Chí Cà, huyện Xín Mần. |
Chí Cà là xã biên giới của huyện Xín Mần, có khí hậu thổ nhưỡng phù hợp với việc phát triển cây Ý dĩ. Những năm qua, loại cây này được xem là ưu thế đặc biệt mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định cho 109 hộ dân các thôn như: Hậu Cấu, Hồ Sáo Chái, Khờ Chá Ván, Hồ Mù Chải, Chí Cà Thượng. Năm 2017, diện tích cây Ý dĩ thực hiện được là 22 ha, sản lượng đạt 48,6 tấn. Sau khi thu hoạch, nhân dân chủ yếu tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc, giá bán dao động từ 20 - 25 nghìn đồng/kg hạt. Theo đánh giá của xã, Ý dĩ là cây mũi nhọn, đẩy mạnh kinh tế biên mậu và xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho bà con. Để giúp người dân ổn định đầu ra, Chí Cà lựa chọn hạt Ý dĩ là sản phẩm chủ lực của địa phương. Năm 2018, xã sẽ mở rộng diện tích trồng Ý dĩ lên 48ha trên phạm vi toàn địa bàn; cho các hộ thực hiện sản xuất hạt Ý dĩ đi tham quan, học tập kinh nghiệm ứng dụng công nghệ trồng, chăm sóc trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, hướng đến xây dựng Nhóm sở thích có khả năng đảm bảo các yêu cầu kinh doanh sản phẩm hạt Ý dĩ, đưa cây trồng thành vùng sản xuất tập trung.
Người dân xã Cốc Rế, huyện Xín Mần có kinh tế ổn định nhờ phát triển đàn ong mật. |
Còn tại xã Cốc Rế, mật ong Nàng Hương là sản phẩm tiêu biểu, được nuôi và lấy mật hoàn toàn tự nhiên. Hiện, xã có khoảng 255 tổ ong. Riêng thôn Nắm Ngà có một Nhóm sở thích nuôi ong gồm 10 hộ. Ông Sùng Dĩ Chỉ, thành viên Nhóm sở thích cho biết: “Nhà nuôi 14 tổ ong, một năm chỉ vắt lấy mật 2 lần, vào thời điểm tháng 4 và tháng 9, khi bước sang mùa Đông mật để lại cho đàn ong sinh trưởng, phát triển tốt. Trung bình 1 lít mật ong nguyên chất có giá bán 350.000 nghìn đồng, mỗi năm thu khoảng 15 - 18 triệu đồng, mật ong cung cấp cho Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp trong thôn”. Theo Chủ tịch UNND xã Cốc Rế, Nguyễn Đức Xuân cho hay: “Xã có diện tích rừng 811 ha, đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để người dân phát triển đàn ong. Nhằm thúc đẩy kinh tế, đưa thương hiệu mật ong Nàng Hương đến gần hơn với thị trường, xã hướng đến mở các lớp dạy nghề, giúp người nuôi ong nắm được kiến thức, kỹ thuật bài bản; làm tốt việc quảng bá sản phẩm. Năm nay, xã cũng cố gắng phấn đấu tăng thêm 100 tổ ong lấy mật”.
Theo chương trình mỗi xã một sản phẩm hàng hóa đặc trưng, đến nay, 13/19 xã, thị trấn của huyện Xín Mần đã thực hiện nội dung này. Tuy nhiên, có 7 sản phẩm chủ lực nhất gồm: Hạt Ý dĩ của xã Chí Cà; mật ong các xã Thu Tà, Cốc Rế; chè ở xã Nà Trì và Chế Là; gạo nếp Quảng Nguyên; mây tre đan Khuôn Lùng… Nhìn chung, các sản phẩm nổi bật đã và đang đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, tác động và hỗ trợ tích cực đến khối kinh tế tập thể, phát huy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp của người dân, tạo mối liên kết bền vững trong sản xuất. Với mục tiêu cốt lõi là giải quyết đầu ra các sản phẩm nông sản, ngoài việc ổn định các sản phẩm hiện có, năm 2018, huyện sẽ tập trung khuyến khích các xã nâng cao chất lượng sản phẩm chè, xây dựng thương hiệu mật ong, thảo quả tại xã Nấm Dẩn, mở rộng làng nghề mây tre đan.
Trong năm nay, huyện sẽ thành lập Ban Điều hành Chương trình OCOP cấp huyện; hướng dẫn các xã, thị trấn tập trung thực hiện tuyên truyền sâu rộng làm cho cộng đồng người dân phân biệt được sản phẩm chủ thể, xây dựng mô hình sản xuất thích hợp theo đúng nguyên tắc, phương pháp “Mỗi xã một sản phẩm”. Ngoài hệ thống vận hành OCOP, UBND huyện giao cho Phòng Kinh tế và Hạ tầng, quản lý gian hàng tiêu thụ giới thiệu huyện Xín Mần tại Hà Nội, làm cầu nối tiêu thụ. Song hành với đó, huyện tập trung nguồn lực hỗ trợ sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, xây dựng nhãn mác, bao bì sản phẩm. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhân dân quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách vay vốn theo Nghị quyết số 209, Nghị quyết số 86, vay theo hình thức hợp tác xã để sản xuất hàng hóa, tạo động lực cho Xín Mần phát triển trong tương lai.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc