Hướng đến thị trường xuất - nhập khẩu chính ngạch
BHG - Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Chương trình trọng tâm Phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh (QP-AN) đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với lợi thế so sánh thấp hơn những địa phương khác vùng Đông – Tây Bắc, trong dài hạn phát triển kinh tế biên mậu của Hà Giang muốn bứt phá, vượt trội cần hướng đến thị trường xuất - nhập khẩu (XNK) chính ngạch.
Thông xe trong Lễ công bố mở chính thức cặp Cửa khẩu Xín Mần (Việt Nam) - Đô Long (Trung Quốc) đầu năm 2018. |
Thực hiện Chương trình trọng tâm Phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo QP-AN theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh, trong hơn 2 năm qua, tỉnh ta đã quyết tâm rất lớn thông qua việc ban hành các văn bản như: Nghị quyết 206 của HĐND tỉnh về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biên mậu trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết 120 (thay thế Nghị quyết 206) về hỗ trợ phát triển kinh tế biên mậu; Quyết định 2792 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo QP-AN tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016 – 2020. Đồng thời UBND tỉnh đã tiến hành nghiên cứu Quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn 2035 gửi Bộ Ngoại giao trình Chính phủ phê duyệt; các ngành chức năng phối hợp xây dựng Đề án Quy hoạch cửa khẩu giai đoạn 2017 – 2025…
Bên cạnh đó, từ nguồn ngân sách Trung ương và của tỉnh, UBND tỉnh đã bố trí trên 1.000 tỷ đồng đầu tư 13 dự án san ủi mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp, mở mới đường giao thông đến các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) mở chính thức cặp cửa khẩu Xín Mần (Việt Nam) – Đô Long (Trung Quốc). Thống nhất với địa phương đối đẳng phía Trung Quốc duy trì 10 lối mở, thúc đẩy khai thông khu vực 4 mốc biên giới 219, 238, 291/2 và 485. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện và các ngành chức năng thường xuyên đẩy mạnh công tác ngoại giao, hội đàm, ký kết hợp tác với các địa phương phía bên kia biên giới nhằm tăng cường phối hợp trong phát triển kinh tế, đảm bảo QP-AN trên tuyến biên giới. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh…
Từ những chính sách và nguồn lực đầu tư đã thực hiện, tổng kim ngạch XNK qua Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy tăng vọt trong 2 năm 2016 và 2017, lần lượt ở mức gần 2,5 tỷ USD và 3,5 tỷ USD, đóng góp ngân sách nhà nước mỗi năm trên 200 tỷ đồng. Khu kinh tế cửa khẩu từ năm 2015 – 2017 thu hút hàng chục dự án đăng ký đầu tư, với tổng số vốn đăng ký khoảng gần 300 tỷ đồng; nhiều chợ biên giới hoạt động sôi động, các chợ Mốc 504, 172 được đầu tư xây dựng; đường giao thông kết nối tỉnh lộ 177 đến Cửa khẩu Xín Mần – Đô Long được đầu tư cơ bản hoàn thiện; ký kết với phía Trung Quốc mở lối mở Nà La – Hoa Long tại Khu kinh tế cửa khẩu; duy trì tốt sự phối hợp tuần tra, bảo vệ an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm trên tuyến biên giới…
Qua những phân tích của các chuyên gia kinh tế đến từ Trường Chính sách công và quản lý Fulbright tại Chương trình đối thoại chính sách tái cơ cấu kinh tế tỉnh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2030 diễn ra trong tháng 4 vừa qua đã chỉ ra: Phát triển kinh tế biên mậu của Hà Giang những năm qua và hiện tại cũng như trong tương lai gần không có lợi thế so với các tỉnh biên giới trong khu vực Đông – Tây Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai hay Cao Bằng. Một số số liệu minh chứng điều này như: Hệ thống đường cao tốc từ Hà Nội kết nối tới 3 tỉnh trên cũng tương đối hoàn chỉnh, thời gian vận chuyển hàng hóa nhanh hơn nhiều so với Hà Giang; hệ thống đường cao tốc phía Trung Quốc kết nối đến cửa khẩu của 3 tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng cũng được đầu tư khá hoàn chỉnh; đặc biệt, trong giai đoạn 2010 – 2016, trung bình các dự án đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu của Hà Giang đạt 9,7 tỷ đồng, trong khi Cao Bằng là 62,7 tỷ đồng, Lạng Sơn trên 100 tỷ đồng; từ năm 2010 – 2016, số dự án đầu tư vào Khu kinh tế Cửa khẩu các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng lần lượt là 234, 358 và 43 trong khi Hà Giang là 27 với số vốn đăng ký theo thứ tự là 24.574, 37.706, 2.695 trong khi Hà Giang ở mức 262 (đơn vị tính tỷ đồng)…
Tuy nhiên, với thị trường hơn 1,4 tỷ dân và định hướng phát triển chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc trong thời gian qua và những năm tới, dự báo đến năm 2020, tổng kim ngạch thương mại XNK của Trung Quốc sẽ vào khoảng 5.000 tỷ USD, trong đó hàng hóa nhập khẩu có thể lên đến 2.000 tỷ USD. Đặc biệt, Trung Quốc đang hướng đến hoạt động XNK chính ngạch với các nước. Vì vậy Hà Giang có tiềm năng phát triển kinh tế biên mậu trở thành một trong những lĩnh vực chủ đạo, mũi nhọn trong phát triển KT – XH của tỉnh.
Từ những phân tích tổng thể, các chuyên gia của Fulbright khuyến nghị: Trong ngắn hạn và trung hạn, Hà Giang không nên tập trung đầu tư nguồn lực dàn trải cho phát triển kinh tế biên mậu mà tập trung cải thiện môi trường kinh doanh bằng cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, chính sách; quy hoạch lại và đầu tư cơ sở hạ tầng và logistics; đánh giá lại hoạt động của hệ thống giao thông hiện tại để có định hướng phát triển trong tương lai; tăng cường mối quan hệ với các địa phương đối đẳng phía Trung Quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa thông quan. Đồng thời phát triển các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, xây dựng kho Ngoại quan để gia tăng giá trị và thuế các hàng xuất khẩu, thu hút hàng nhập khẩu... phục vụ XNK chính ngạch.
Đồng chí Nguyễn Khắc Quyền, Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Những định hướng, chính sách của tỉnh về phát triển kinh tế biên mậu trong những năm qua đã mang lại nhiều kết quả nổi bật”. Cũng theo đánh giá của Giám đốc Sở Công thương, sự phát triển thương mại biên giới của chúng ta phụ thuộc rất lớn vào các chính sách từ phía Trung Quốc; hầu hết các lối mở hiện nay đều bị phía Trung Quốc ngăn chặn không cho hàng hóa không chính ngạch thông quan; hệ thống giao thông chưa thực sự đảm bảo; danh mục hàng xuất khẩu qua cửa khẩu ít hơn so với cửa khẩu các tỉnh lân cận; các mặt hàng XNK chủ yếu là tạm nhập tái xuất nên nguồn thu chủ yếu là phí, lệ phí “cho mượn đường”; đường cao tốc phía Trung Quốc đến Cửa khẩu Thiên Bảo mới đang thi công, chưa hoàn thiện… Chính vì vậy, trong thời gian tới, định hướng của tỉnh có thể sẽ tập trung tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao khả năng thông quan hàng hóa; giảm thuế, phí để cạnh tranh với các cửa khẩu khác, duy trì tăng trưởng. Đặc biệt, chuẩn bị các điều kiện để trong trung và dài hạn sẽ thực hiện XNK chính ngạch như đề xuất Chính phủ cho chủ trương lựa chọn Hà Giang trở thành trung tâm phân phối sản phẩm nội địa đến thị trường Trung Quốc và chuyển tiếp tới các nước theo chính sách “một vành đai, một con đường” của nước bạn; nâng danh mục hàng xuất khẩu qua cửa khẩu của tỉnh; đẩy nhanh công tác xúc tiến triển khai đường cao tốc từ Hà Giang nối với tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai…
Bài, ảnh: DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc