Chè cổ thụ Cao Bồ
BHG - Mới đây, anh Sơn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cao Bồ (Vị Xuyên) đưa tôi đến thăm vườn chè cổ thụ của xã. Qua thôn Tham Vè, có thêm các anh, chị Xuân, Đẹp và Tài đi cùng. Đi xe máy vượt dốc Lùng Tao mất khoảng 40 phút, chúng tôi để xe lại rồi cuốc bộ vào vùng chè. Nằm trên độ cao 1.500 - 1.800 m so với mặt nước biển, chỉ có chè cổ thụ xen lẫn cây rừng. Chè cổ thụ ở đây có tới vài trăm ha, cả vùng Côr Sâus thật bắt mắt.
Tác giả bên vườn chè cổ thụ. |
Hầu như cây chè cổ thụ nào cũng cao từ 1 - 1,5 m, lá, cành vươn ngang theo mặt đất, tán rộng tới vài mét rồi mới vươn cao thẳng đứng và ra búp non. Những cây chè cổ thụ vươn cành ngang như người con gái giang tay đón ánh nắng bình minh. Cá biệt, có những cây chè không cành ngang, chỉ có cành đứng và vươn cao hơn chục mét.
Những cây chè cổ thụ, tán vươn rộng đón khách vào Cao Bồ. |
Khi thắc mắc tên Côr Sâus, anh Sơn và anh Tài giải thích rằng: Ngày xưa có làng người Hán trồng chè, rồi do ở trên cao, không có nước làm ruộng nên họ đã bỏ đi, chỉ còn những nương chè già. Theo Giám đốc Công ty Chè Hùng Cường: Cao Bồ có 700 ha chè cổ thụ, nhân dân trồng thêm hơn 400 ha. Trong đó, có hơn 200 cây chè được xếp hạng di sản Quốc gia với độ tuổi 500 – 700 năm.
Những năm 1960 – 1990, chè cổ thụ được đốn cành để hái toàn bộ búp non làm chè vàng. Từ khi Công ty Chè Hùng Cường đầu tư qua giá, thu mua theo kỹ thuật “một tôm một lá”, “một tôm hai lá”, bà con không đốn mà trèo lên cây chè để hái búp.
Tuy đã 84 tuổi, nhưng ông Cháng Văn Dùi, nguyên Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên còn minh mẫn ông bảo, chè Cao Bồ có từ nhiều đời nay, người ta bảo từ thời Côr Sâus mà chả biết Côr Sâus cách đây mấy trăm năm, ở trên rừng Tây Côn Lĩnh còn có chè Long Vĩ, dân gọi là chè rừng, ít ai đi hái được.
Chè Cao Bồ nổi tiếng nhiều về số lượng và là nơi có cây chè cổ thụ nhiều nhất, lại có vị thơm, ngon nổi tiếng. Đến với những nương chè, du khách không chỉ được thưởng thức chè ngon, mà còn thưởng thức vẻ đẹp của những rừng chè cổ thụ xanh ngát.
Bài, ảnh: Triệu Đức Thanh
Ý kiến bạn đọc