Xã Thuận Hòa nỗ lực giảm nghèo
BHG - Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Vị Xuyên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Thuận Hòa đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Người dân thôn Mịch A, xã Thuận Hòa phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ để nâng cao thu nhập. |
Xã Thuận Hòa có trên 97% đồng bào dân tộc thiểu số, hiện xã còn 54% hộ nghèo, 25% hộ cận nghèo. Đời sống của người dân nơi đây chủ yếu là lao động nông nghiệp, điều kiện canh tác không thuận lợi do đất sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu nước, thiếu sự đầu tư và áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật (KHKT). Trao đổi với phóng viên về nguyên nhân dẫn đến thực trạng hộ nghèo ở địa phương còn cao, đồng chí Vi Quốc Trung, Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa cho biết: “Là xã có địa hình chia cắt, và phân chia thành các tiểu khu: Gồm 4 thôn vùng thấp và 11 thôn vùng cao. Các thôn vùng cao hầu hết đều thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, thiếu đất canh tác và chỉ trồng được một vụ lúa; do địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân bố rải rác. Việc tiếp cận nguồn vốn và các tiến bộ KHKT gặp những khó khăn nhất định. Đây là những nguyên nhân và cũng là rào cản lớn trong quá trình phát triển KT – XH ở địa phương”.
Đến thôn Khâu Mèng, một trong những thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong xã. Theo Trưởng thôn Lò Mí Phòng, thôn Khâu Mèng có 154 hộ, trong đó, 100% là đồng bào Mông. Toàn thôn chỉ có 6 ha đất trồng lúa và hơn chục ha đất trồng ngô, sắn, đậu tương. Lúa chỉ trồng được một vụ, do thiếu nước nên hầu hết các hộ trong thôn đều thiếu ăn quanh năm. Do nhận thức của người dân còn hạn chế, nhiều người không nói được tiếng phổ thông nên việc tiếp cận nguồn vốn vay và các tiến bộ KHKT gặp nhiều khó khăn. Hiện, toàn thôn có 130 hộ nghèo, chiếm 87% và 10% hộ cận nghèo. Trưởng thôn Lò Mí Phòng cho biết: “Với 97% hộ nghèo và cận nghèo, việc tìm hướng đi để thoát nghèo, nâng cao thu nhập cho bà con luôn là vấn đề được thôn quan tâm hàng đầu. Do điều kiện canh tác không thuận lợi, thiếu đất, thiếu nước sản xuất nên chúng tôi vận động người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ ở những diện tích đất đồi tạp và những diện tích canh tác kém hiệu quả. Đồng thời, kiến nghị với chính quyền xã có giải pháp giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư phát triển kinh tế”.
Trước những khó khăn và thách thức không nhỏ, Đảng bộ xã đã đề ra những giải pháp đồng bộ; xây dựng chương trình hành động cho từng năm, từng giai đoạn và xây dựng phương án cụ thể đối với những cây, con thế mạnh. Phát huy lợi thế của từng vùng, đối với các thôn vùng thấp như: Mịch A, Mịch B, Hòa Sơn có lợi thế về đất đai, diện tích mặt nước; xã vận động nhân dân tập trung trồng lúa chất lượng cao gắn với sản xuất “5 cùng”, từng bước thành lập vùng chuyên canh rau, chăn nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện sông Miện 5. Đối với 11 thôn vùng cao, tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ, trồng rừng kinh tế, thành lập các Nhóm sở thích chăn nuôi dê, trâu, bò… Chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh hoạt động tín chấp cho vay, giúp người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nhân dân áp dụng KHKT vào sản xuất, chăn nuôi… Với những nỗ lực đó, trong năm 2017, toàn xã đã giảm được 66 hộ nghèo.
Bên cạnh đó, với tiềm năng về du lịch lòng hồ thủy điện và hang Khâu Mèng; xã đang triển khai nhiều giải pháp, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập thể, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực du lịch hang động, du lịch lòng hồ... từng bước tạo sinh kế bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, XĐGN cho người dân.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc