HTX Chế biến chè Phìn Hồ xây dựng và khẳng định thương hiệu mạnh trên thị trường
BHG - Mất mười năm để xây dựng thành công một thương hiệu mạnh, giờ đây các sản phẩm của Hợp tác xã (HTX) Chế biến chè Phìn Hồ (Thông Nguyên - Hoàng Su Phì) đã khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường. Đồng bào Dao sinh sống tại thôn Phìn Hồ đã cùng nhau kinh doanh tập thể, góp vốn thành lập HTX và từng bước đưa danh tiếng sản phẩm Fìn Hò trà vươn xa.
Nhờ đầu tư, đổi mới công nghệ, các sản phẩm Fìn Hò trà đã có vị trí vững chắc trên thị trường. Trong ảnh: Lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì tham quan cơ sở chế biến chè của HTX. |
Mảnh đất phía Tây Hoàng Su Phì có tiềm năng, thế mạnh của vùng chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, mọc tự nhiên nơi có khí hậu mát, quanh năm bao phủ bởi làn sương tinh khiết và thổ nhưỡng phù hợp đã thúc đẩy sự phát triển dòng chè Shan tuyết cổ thụ cả về năng suất và chất lượng. Những cây chè cổ thụ sống ở độ cao hơn 1 nghìn m so với mực nước biển luôn đâm chồi, nảy lộc, cho ra những bút chè xanh mướt, là nguồn thu nhập chính bà con các xã vùng chè. Nhưng do tập quán canh tác, chế biến còn nhiều hạn chế bà con chỉ bán được 5 – 6 nghìn đồng/kg chè búp tươi nên giá trị sản xuất lúc đó chỉ đạt 10 - 12 triệu đồng/ha/năm.
Anh Lý Chòi Nhàn, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Hoàng Su Phì, nguyên Chủ nhiệm HTX Chế biến chè Phìn Hồ tâm sự: Những năm đầu thành lập, với mục đích chủ yếu là để có nhà xưởng chế biến sản phẩm chè tươi thành chè xanh theo phương pháp truyền thống cho các hộ dân trong thôn, sản lượng bình quân mỗi năm chỉ khoảng 5 tấn chè kho, nhưng nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ của HTX đều rất hạn chế. Với diện tích chè khoảng 35 ha, sản phẩm làm ra cũng chỉ buôn bán ở một vài địa phương trên địa bàn tỉnh. Bao bì, nhãn mác còn thô sơ, bộ máy quản lý hầu hết chưa qua đào tạo, dẫn đến 3 năm đầu thành lập từ năm 2008 - 2010, doanh thu của HTX chỉ khoảng 500 triệu đồng/năm. Sau đó, HTX bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh để khai thác tiềm năng, thế mạnh của cây chè. Đặc biệt, năm 2017, nhờ có sự quan tâm hỗ trợ của Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa, HTX đã đầu tư trên 5 tỷ đồng xây dựng mới văn phòng làm việc, phòng trưng bày sản phẩm, nhà xưởng sản xuất với diện tích 3 nghìn m2; đổi mới toàn bộ dây chuyền công nghệ sản xuất, nâng công suất từ 4 tấn chè tươi lên 15 tấn/ngày.
Với dây chuyền sản xuất, chế biến liên hoàn, chất lượng chè sau chế biến được nâng lên rõ rệt. Sau khi nhà xưởng mới đi vào sản xuất, đầu vụ chè năm 2018, HTX đã xuất khẩu trên 20 tấn chè khô sang thị trường Đài Loan. Ngoài ra, HTX còn chế biến được hơn 5 tấn chè xanh chất lượng cao tiêu thụ tại thị trường trong nước. Cùng với đó, vùng chè nguyên liệu của HTX cũng luôn được mở rộng, từ chỗ chỉ thu mua trên địa bàn thôn Phìn Hồ, nay đã mở rộng, liên kết hơn 900 hộ dân với diện tích trên 500 ha thuộc những vùng chè hữu cơ theo chuẩn châu Âu được người dân cam kết thu hái đúng quy cách, đạt chất lượng xuất khẩu ra nước ngoài.
Trong 2 năm 2016 – 2017, HTX đã mang sản phẩm đến giới thiệu tại Hội chợ Thương mại quốc tế chè khu vực châu Âu tổ chức ở Đức; năm 2017 tham gia triển lãm, quảng bá sản phẩm tại Trung Quốc… Qua đó, HTX có thêm nhiều cơ hội tìm kiếm đối tác mới. Anh Triệu Văn Mềnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Chế biến chè Phìn Hồ cho biết: Để đáp ứng được nhu cầu thị trường xuất khẩu, HTX đã nâng công suất, đổi mới công nghệ cho phù hợp. Đặc biệt, HTX đã được đơn vị chứng nhận hữu cơ châu Âu chứng nhận gần 300 ha chè tại các xã: Hồ Thầu, Tả Sử Choóng và Túng Sán (Hoàng Su Phì). Đây chính là cầu nối để HTX xuất bán sản phẩm sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Đài Loan, Nga và Đức… Ngoài ra, HTX đã triển khai thêm gần 200 hệ thống mạng lưới đại lý, điểm bán hàng ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.
Đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, HTX đã xây dựng được thương hiệu Fìn Hò trà từ những sản phẩm truyền thống địa phương, giúp nâng cao giá trị cây chè Hoàng su Phì. Tùy theo từng chất lượng chè, HTX đưa ra giá thành thu mua sản phẩm cho người dân, nhưng thấp nhất 15 nghìn đồng/kg chè tươi, cao hơn có thể lên hơn 100 nghìn đồng/kg. Doanh thu của HTX cũng tăng khoảng 30 lần so với trước đây, từ chỗ chỉ khoảng 500 triệu mỗi năm, nay đạt 15 tỷ/năm. Nhờ vậy, đời sống của người dân vùng chè được nâng lên, bình quân mỗi ha chè cho thu nhập khoảng 35 triệu đồng, tăng hơn 3 lần so với 10 năm trước và các hộ dân trồng chè thôn Phìn Hồ 100% thoát nghèo. Thu nhập của người lao động tại HTX đạt từ 5 - 15 triệu đồng/người/tháng, tăng 5 lần so với những ngày đầu mới thành lập.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2008 sản phẩm của HTX Chế biến chè Phìn Hồ đoạt Huy chương Vàng Thần nông việt Nam; năm 2009 đoạt Cúp Vàng vì nông dân Việt Nam; năm 2010 được chứng nhận sản phẩm công nghiệp tiêu biểu nông thôn Việt Nam; năm 2011 đoạt Cúp thương hiệu uy tín tại Hội chợ triển lãm thương hiệu việt Nam… Những danh hiệu trên đã tạo lòng tin cho người tiêu dùng và là động lực để người dân tích cực lao động, sản xuất, tiếp tục xây dựng, giữ vững uy tín sản phẩm Fìn Hò trà trên thương trường.
Bài, ảnh: Phi Anh
Ý kiến bạn đọc