Xuất khẩu lao động góp phần quan trọng giảm nghèo bền vững
BHG - Xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững là một trong những mục tiêu, chương trình trọng tâm tỉnh ta đã, đang hướng tới. Để thực hiện thành công mục tiêu thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, tỉnh ta đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích tạo điều tốt nhất cho các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống trên nhiều phương diện. Trong đó, có nội dung xuất khẩu lao động (XKLĐ), đưa lao động (LĐ) đi làm việc ngoài tỉnh.
Công ty Bujeon tại Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) đón lao động tỉnh ta đến làm việc. |
Với vai trò là cơ quan Thường trực trong triển khai, thực hiện XKLĐ và đưa LĐ đi làm việc ngoài tỉnh; ngay từ đầu năm 2017, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã tham mưu cho tỉnh và chủ động xây dựng kế hoạch đưa Đoàn công tác do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đi khảo sát, tiếp cận thị trường LĐ tại các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng; tổ chức ký Biên bản hợp tác cung ứng LĐ cho các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng. Đối với UBND các huyện, thành phố thành lập các đoàn đi khảo sát, tiếp cận các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng LĐ để phối hợp cung ứng; tổ chức Ngày hội việc làm và khởi nghiệp với sự tham gia của các doanh nghiệp và người LĐ để kết nối, giúp người LĐ có cơ hội tiếp cận các đơn vị tuyển dụng LĐ để lựa chọn việc làm phù hợp. Cùng đó, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ việc làm, tuyên truyền, phổ biến tới nhân dân, người LĐ biết về các chủ trương, chính sách hỗ trợ, ưu tiên giải quyết việc làm và học nghề.
Trong năm 2017, thông qua các dự án, nguồn vốn từ các chương trình cùng với sự chủ động liên kết, mở rộng thị trường LĐ; các địa phương trong tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 16.650 LĐ, đạt 102,8% kế hoạch, tăng 1,4% so với năm 2016; những địa phương thực hiện tốt công tác này gồm: Vị Xuyên, Bắc Quang, Mèo Vạc, Quản Bạ. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các ngành chức năng thuộc các huyện, xã, phường thực tổ chức vấn việc làm và học nghề cho 7.500 LĐ, đạt 166,65 kế hoạch năm và giới thiệu việc làm cho 1.685 LĐ. Trong tổng số LĐ được giải quyết việc làm năm 2017, có 4.251 LĐ đi làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh, chiếm 25,52%, tăng 6,2% so với năm 2016. Phần lớn LĐ của tỉnh tập trung làm việc tại các tỉnh như: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên,… với mức thu nhập bình quân từ 4 - 8 triệu đồng/người/tháng, tùy theo từng vị trí việc làm.
Anh Nguyễn Hữu Tiệp, tổ 18, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang và chị Trần Thị Hồng, tổ 10, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) là những LĐ đang làm việc tại Công ty Bujeon, khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh cho biết: Do điều kiện gia đình khó khăn, để có tiền phụ giúp gia đình, học xong THPT, thông qua đại diện công ty lên tuyển dụng LĐ tại tỉnh; em làm đơn và xin đi làm. Công việc làm mang tính phổ thông nên phù hợp với năng lực, trình độ của em. Ở công ty có chỗ ăn, ngủ cho công nhân, thu nhập tương đối ổn định; hàng tháng, trừ ăn uống, em để ra được trên, dưới 3 triệu đồng gửi về phụ giúp gia đình.
Cùng với việc xúc tiến đưa LĐ đi làm việc ngoài tỉnh, tỉnh ta còn tích cực mở rộng thị trường, đẩy mạnh đưa LĐ sang Trung Quốc làm việc theo thỏa thuận hợp tác về quản lý LĐ tự do, ngắn ngày qua biên giới giữa tỉnh Hà Giang (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đã có 318 LĐ đi làm việc theo thỏa thuận quản lý LĐ qua biên giới được ký với châu Văn Sơn. Công việc chủ yếu làm trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, may mặc. Đối với thỏa thuận ký với thành phố Bách Sắc (Trung Quốc), hiện các bước đàm phán đã thực hiện xong và đang chờ phía bạn thông báo tiếp nhận (trước mắt tỉnh giao cho huyện Mèo Vạc làm thí điểm).
Có thể nói, bằng sự chủ động của các địa phương trong tìm kiếm, mở rộng thị trường LĐ; nhiều LĐ trong tỉnh đã có được việc làm phù hợp, với thu nhập ổn định và góp phần vào thực hiện mục tiêu XĐGN bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc