Xã Cán Tỷ phát triển mạnh Mô hình nuôi lợn nái luân chuyển
BHG - Những năm qua, để giúp đỡ hội viên (HV) vươn lên trong cuộc sống, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Cán Tỷ (Quản Bạ) đã vận dụng tốt các chương trình, chính sách hỗ trợ để giúp HV phụ nữ phát triển chăn nuôi, sản xuất. Trong đó, Mô hình nuôi lợn nái luân chuyển đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho HV khó khăn tham gia sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Mô hình nuôi lợn đen của gia đình chị Thào Thị Pà, thôn Đầu Cầu II, xã Cán Tỷ (Quản Bạ). |
Mô hình được thực hiện từ cuối năm 2016, Hội LHPN tỉnh đã trao 20 con lợn nái, mỗi con trị giá khoảng 2 triệu đồng cho HV phụ nữ nghèo ở xã Cán Tỷ; qua hỗ trợ con giống, đã giúp chị en phụ nữ nghèo có điều kiện phát triển chăn nuôi, từng bước vươn lên thoát nghèo. Chị Sùng Thị Dính, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Cán Tỷ cho biết: “Khi lợn nái sinh sản, HV nuôi đạt khoảng 10kg trở lên, sẽ chọn 1 con giao lại cho Hội LHPN xã tiếp tục luân chuyển cho các HV kế tiếp. Còn lại, HV đó sẽ được hưởng giá trị toàn bộ những con lợn và đàn lợn kế tiếp. Với cách làm như trên, sẽ giúp nhân rộng số hộ HV phụ nữ nghèo được hỗ trợ con giống từ những con giống ban đầu, mà không tốn kém chi phí”. Để việc hỗ trợ hiệu quả, đúng đối tượng, Hội LHPN xã đã phối hợp với chính quyền xã, đưa chỉ tiêu về các thôn, xóm họp, bầu ra hộ nghèo nhất để trao lợn nái. Đến nay, đã có 8 HV được nhận lợn nuôi luân chuyển; nhiều hộ sau khi được tặng lợn đã vay tiền từ các nguồn hỗ trợ khác để đầu tư tăng đàn, phát triển chăn nuôi.
Đến thăm gia đình chị Thào Thị Pà, thôn Đầu Cầu II; trước đây, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên không có điều kiện làm kinh tế. Cuối năm 2016, chị Pà là một trong số những HV đầu tiên được Hội LHPN xã chọn để nuôi lợn nái luân chuyển. Không chỉ được hỗ trợ con giống, chị Pà còn được cán bộ thú y xã hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh. Qua mỗi lứa lợn sinh sản, trừ số lợn nái chuyển cho HV khác, gia đình chị cũng được thêm một khoản thu nhập khá.
Cũng là một những hộ được trao lợn nái, chị Mua Thị Thò, thôn Sín Suối Hồ, vui mừng chia sẻ: “Từ khi được Hội LHPN xã cho lợn giống, nhà mình có thêm việc để làm; hàng ngày, mình đều đi lấy rau, nấu cám cho lợn ăn. Đến nay, đàn lợn đã tăng lên 5 con, cuối năm nay, nhà mình có thêm 1 khoản tiền để ăn Tết rồi. Cứ đà này, năm sau mình lại tiếp tục nuôi lợn để có thêm thu nhập”.
Phó Chủ tịch UBND xã Cán Tỷ, Sầm Văn Dũng, cho biết: Mô hình luân chuyển lợn nái của Hội LHPN đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo phát triển chăn nuôi. Trong quá trình chăn nuôi, các hộ còn được hỏi hỏi về kỹ thuật chăn nuôi lợn. Đến nay, một số hộ đã mạnh dạn vay thêm vốn, mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Với hiệu quả của mô hình, thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai ra các thôn khác.
Đối với các hộ HV phụ nữ nghèo ở xã, Mô hình nuôi lợn nái luân chuyển rất phù hợp, bởi nguồn vốn ít, quay vòng nhanh; có thể hỗ trợ được nhiều hộ. Qua thực hiện mô hình, đã khơi dậy được tinh thần đoàn kết, ý trí lao động vươn lên; tạo phong trào thi đua phát triển kinh tế trong chị em phụ nữ.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc