Phát triển nghề trồng nấm trên địa bàn thành phố Hà Giang
BHG - Với lợi thế về điều kiện tự nhiên cũng như nguồn lao động, những năm gần đây, nghề trồng nấm trên địa bàn thành phố Hà Giang bắt đầu phát triển mạnh trong các hộ nông dân. Tuy nhiên, chủng loại giống còn ít, chưa phong phú; chủ yếu nấm Rơm, nấm Sò. Xuất phát từ tình hình trên, để đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người trồng nấm và hình thành vùng phát triển nấm theo hướng hàng hóa tập trung, an toàn, bền vững, năm 2017, Trạm Khuyến nông thành phố đã phối hợp với UBND xã Ngọc Đường và phường Ngọc Hà triển khai Mô hình trồng nấm Mỡ trên rơm, nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang hướng trồng nấm.
Mô hình trồng nấm ở thành phố Hà Giang. |
Mô hình trồng nấm Mỡ đã góp phần thúc đẩy và tạo tiền đề cho việc phát triển nghề trồng nấm trên địa bàn thành phố, góp phần nâng cao thu nhập và giải quyết được việc làm cho không ít lao động nông nhàn. Bên cạnh đó góp phần bảo vệ môi trường, xử lý triệt để các nguồn rơm rạ sau thu hoạch, tạo nguồn phân bón cung cấp lại cho đồng ruộng.
Mô hình bước đầu đã giúp chính quyền cơ sở và nông dân hiểu rõ hơn việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng nấm, tạo được sản phẩm hàng hóa tại địa phương, tăng thu nhập cho các hộ dân, góp phần vào thực hiện tiêu chí xây dựng Nông thôn mới.
Nguyên liệu chính để trồng nấm là rơm rạ, chất liệu rất sẵn có tại địa phương. Ông Lộc Minh Lâm, Bí thư Chi bộ thôn Tà Vải, xã Ngọc Đường, chủ hộ trồng nấm chon biết: Công đoạn đòi hỏi yêu cầu khắt khe nhất là giai đoạn đầu trong quy trình sản xuất nấm, đó là bước khử trùng rơm rạ bằng nước vôi; sau đó, đem rơm đánh đống ủ từ 22 - 25 ngày, rồi trộn với đạm, lân, bột nhe,… với tỷ lệ thích hợp rồi cho vào luống; tiếp đến là công đoạn cấy giống và chăm sóc. Cũng theo Ông Lâm, sản xuất nấm Mỡ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. Thời tiết thuận lợi thì sản xuất nấm sẽ được nhiều đợt hơn, thời gian thu hoạch dài hơn. Bên cạnh đó, năng suất và chất lượng nấm cũng cao hơn. Ông Lâm cũng chia sẻ: “Năm đầu tiên trồng nấm, tôi thấy rất hiệu quả; phù hợp với bà con nông dân, quan trọng trong sản xuất nấm phải là kinh nghiệm thực tế,”. Mô hình sản xuất nấm Mỡ của xã đang hoạt động khá hiệu quả, năng suất bình quân từ 200 - 300kg/tấn nguyên liệu. Chi phí khoảng gần 160.000đ/m2, gồm (rơm, phân ủ, công lao động). Sản lượng thu hoạch trung bình đạt 6,7kg/m2, thu nhập bình quân đạt 310.800đồng/1m2.
Còn về tiêu thu, sản phẩm nấm tươi chủ yếu được tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn thành phố và cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên, nhiều người dân cho biết, sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng mô hình để cung ứng nấm Mỡ cho các huyện, tỉnh lân cận trong năm tới.
Dương Văn Kỳ
(Trạm Khuyến nông TPHG)
Ý kiến bạn đọc