Nỗ lực phấn đấu trở thành Vườn Quốc gia Du Già - Cao nguyên đá
BHG - Khu bảo tồn thiên nhiên Du Già và Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc mũi hếch Khau Ca phân bố trên địa bàn 3 xã: Du Già, Minh Sơn, Tùng Bá của 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Bắc Mê và Vị Xuyên thuộc dãy núi Ba Tiên kéo dài từ Tây Bắc đến Đông Nam, bao gồm 25 đỉnh núi lớn nhỏ khác nhau, đỉnh cao nhất là 2.028m cách trung tâm tỉnh Hà Giang khoảng 30 km về phía Đông Bắc. Tổng diện tích 2 Khu bảo tồn là 14.917,9 ha, cùng nhiều hệ sinh thái rừng và các loài động thực vật quý hiếm. Đây chính là nền tảng tiến tới trong năm 2018 sẽ sáp nhập khu bảo tồn rừng đặc dụng Du Già và khu bảo tồn loài, sinh cảnh Vọoc mũi hếch trở thành Vườn Quốc gia Du Già – Cao nguyên đá.
Những cây nghiến hàng trăm năm tuổi tại Khu bảo tồn rừng đặc dụng Du Già. Ảnh: CTV |
Theo các tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, hai khu bảo tồn có tính đa dạng sinh học cao với 1.049 loài thực vật có mạch bậc cao, trong đó có 59 loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, có 267 loài động vật có xương sống với 31 loài quý hiếm và nhiều loài động vật đang có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng. Đặc biệt, trong khu vực điều tra đã xác định đàn Vọoc mũi hếch số lượng trên 100 cá thể và trong đợt điều tra đã ghi nhận 1 loài thú lớn mới cho khu hệ thú tại khu vực đó là Sơn dương nâu (Naemorhedus griseus), là một trong các đối tượng cần được quan tâm bảo tồn hàng đầu. Khu bảo tồn còn có 5 loại thảm thực vật: Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới núi thấp; Rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình; Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên núi đá vôi...
Cùng với đó, các loài cây quý như: Thông đỏ, Pơ mu, Lát hoa, Giổi, Táu, Chò chỉ, Lim xanh, Đinh vàng, Kim tuyến, Hài lan, Bình vôi, Đau xương... Đa dạng về khu hệ thực vật, trong khu bảo tồn đã phát hiện được 1.049 loài thuộc 622 chi trong 175 họ thực vật của 6 ngành thực vật; Đa dạng về khu hệ động vật, có 22 bộ, 72 họ, 286 loài động có các loài đặc hữu đó là: Vọoc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus), Ếch ang (Annadia delacouri). Bên cạnh đó, thảm thực vật rừng Khu bảo tồn đóng vai rất trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn sông Gâm và hồ thủy điện Tuyên Quang.
Theo đồng chí Hoàng Văn Thực, Phó Giám đốc BQL rừng đặc dụng Du Già cho biết: “Để hoàn thành và thực hiện tốt nhiệm vụ nhằm bảo tồn những nguồn gen động, thực vật quý hiếm và duy trì hệ sinh thái rừng, Ban quản lý (BQL) rừng với 19 cán bộ công nhân viên chức trong những năm qua đã nỗ lực và đưa vấn đề bảo tồn lên hàng đầu. Tuy nhiên, do địa bàn quản lý rộng nằm trên địa bàn 4 huyện, để đảm bảo tốt BQL đã thành lập tại mỗi thôn một tổ, đội bảo vệ rừng và phân cán bộ phụ trách địa bàn, thường xuyên bám sát cơ sở, duy trì chế độ trực 24/24 giờ. Theo đó, năm 2017 BQL đã tổ chức được 32 cuộc tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng; cho nhân dân ký cam kết bảo vệ rừng được 2.106 lượt người; tổng số vụ vi phạm được phát hiện và xử lý là 12 vụ; phối hợp với Công an huyện Bắc Mê tiến hành điều tra 2 vụ hình sự về tội hủy hoại rừng...”.
Ngoài nét đặc trưng khu bảo tồn quy tụ nhiều yếu tố giúp tạo nên một vườn Quốc gia đầy màu sắc còn có những thôn bản người Mông, người Dao, người Tày với các tập tục truyền thống và lễ hội đặc trưng, là những điểm đến lý tưởng phục vụ du lịch khám phá, chiêm ngưỡng cho các chuyến đi cuối tuần đầy hấp dẫn. Bên cạnh đó, khu Bảo tồn nằm trong không gian của Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, điều này không chỉ giúp phát triển phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học mà còn trở thành điểm tham quan du lịch và phát triển KT – XH các huyện vùng cao núi đá.
Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc