HTX rượu ngô Thanh Vân, giữ vững một làng nghề truyền thống
BHG - Huyện Quản Bạ được du khách xa gần biết đến không chỉ bởi thắng cảnh núi Đôi, mà ở đây còn nổi tiếng với đặc sản rượu ngô Thanh Vân. Trải qua bao thăng trầm của làng nghề và HTX rượu Thanh Vân, đến nay rượu ngô Thanh Vân dần khẳng định thương hiệu, giá trị, đồng thời sự hoạt động năng động của HTX đã và đang giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Mang những giá trị truyền thống và văn hóa của địa phương, rượu ngô Thanh Vân được làm từ nguyên liệu chính là ngô và men lá, chưng cất trong thùng gỗ, tạo nên hương vị đặc trưng, riêng có. Trong đó, men lá để nấu rượu ngô Thanh Vân do bà con tự làm từ 36 loại lá quý trên rừng, hái về và trộn với bột kê, bột ngô nếp, ngô tẻ tạo thành hỗn hợp, sau đó vo thành bánh, đem ủ khoảng 3 ngày, khi thấy mốc trắng thì lấy ra phơi khô. Vào thời điểm hưng thịnh, rượu Thanh Vân được khách xa gần tìm kiếm. Chính quyền địa phương hỗ trợ nhân dân thành lập làng nghề, rồi đến HTX Rượu ngô Thanh Vân được ra đời vào năm 2008. Thế nhưng, do cách quản lý, điều hành, do các quy định mới chưa khoa học, hợp lý nên đã làm giảm đi thương hiệu của làng nghề truyền thống và HTX rượu Thanh Vân.
Dây chuyền chưng cất rượu hiện đại của HTX Rượu ngô Thanh Vân. |
Với sự quan tâm với hoạt động khuyến công của các cấp, các ngành hỗ trợ để khôi phục lại hoạt động của HTX và quyết tâm phát triển thương hiệu rượu ngô Thanh Vân một cách có trách nhiệm hơn, anh Ngô Mạnh Hồng, Giám đốc HTX Rượu ngô Thanh Vân, cho biết: “HTX mới được kiện toàn lại vào giữa năm 2017 và được đầu tư dây chuyền chưng cất rượu của Đức và máy khử Aldehyde do Tổng Công ty Cổ phần Rượu, bia, nước giải khát Hà Nội hỗ trợ. Cả HTX hiện có 40 thành viên là các hộ ở thôn Mã Hồng, Lùng Càng, Lùng Cúng cùng đóng góp cổ phần và tham gia nấu rượu bán cho HTX”.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình sản xuất rượu của HTX được quản lý kép kín từ khâu sản xuất men lá và ngô cho các hộ thành viên nấu, sau khi có rượu thành phẩm sẽ được HTX kiểm tra và thu mua lại, ủ trong kho khoảng 15 ngày. Sau đó chuyển sang dây chuyền chưng cất và khử Aldehyde, kiểm tra nồng độ cồn và đóng chai. Hiện nay, HTX có 2 sản phẩm chính là rượu 25 độ và rượu 29 độ, có giá bán 46 nghìn đồng/chai, đã được chứng nhận đảm bảo về chất lượng tại các cơ quan chức năng và các Hội chợ thương mại. Bên cạnh đó, HTX còn nghiên cứu sản xuất thêm một số loại rượu thuốc của dân tộc Bố Y có giá 300 nghìn/chai.
Dán nhãn sản phẩm Rượu ngô Thanh Vân tại xưởng sản xuất của HTX. |
Bà Hầu Thị Chấu, thành viên HTX, cho biết: “Trước kia tôi thường nấu rượu mang đi bán ở các chợ phiên, nay ở nhà nấu rượu bán cho HTX, có đầu ra và thu nhập ổn định hơn. Hiện tại, nhà tôi bán cho HTX với giá 20 nghìn đồng/lít rượu ngô, thu nhập bình quân cũng được từ 8 – 10 triệu đồng/tháng. HTX hoạt động được như thế này các thành viên và bà con mừng lắm, có thêm việc làm ổn định, giữ được cái nghề truyền thống của địa phương”.
Nhờ đảm bảo uy tín về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, thị trường tiêu thụ rượu ngô Thanh Vân đã được mở rộng đến các tỉnh như: Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… Giám đốc HTX Ngô Mạnh Hồng cho biết: “Đến nay, HTX đã có 8 đại lý bán hàng ở các tỉnh, thành phố. Hàng tuần, chúng tôi nhập của xã viên khoảng 1.000 lít rượu để sản xuất và bán ra thị trường”.
Anh Nguyễn Tiến Đông cùng Đoàn du khách từ thành phố Hồ Chí Minh đến tham quan tại huyện Quản Bạ, cho biết: Đến Quản Bạ, ngoài cảnh quan rất đẹp, thức ăn ở thị trấn Tam Sơn ngon, lạ còn có rượu ngô Thanh Vân rất tuyệt vời. Càng tuyệt vời hơn khi nó được làm trên Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá, từ các làng, bản của đồng bào Mông với bản sắc văn hóa rất đậm đà. Điều này, khiến rượu ngô Thanh Vân đặc biệt hơn nhiều sản phẩm cùng loại khác.
Có thể khẳng định, việc HTX Rượu Thanh Vân trở lại hoạt động theo đúng Luật HTX, đã góp phần đảm bảo thu nhập ổn định cho các hộ dân địa phương. Đồng thời, góp phần quan trọng vào việc xây dựng một địa chỉ sản xuất an toàn với hàng hóa đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ. Sự năng động của HTX thời gian qua cho thấy không chỉ khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương Quản Bạ mà còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch – dịch vụ trên miền Cao nguyên đá còn nhiều khó khăn.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc