Tuổi trẻ Bắc Quang xung kích trong phát triển kinh tế
BHG - Huyện Bắc Quang có khoảng 24 nghìn ĐVNT, chiếm gần 30% dân số toàn huyện. Đại đa số thanh niên đều có khát vọng vươn lên, thể hiện ý chí lập thân, lập nghiệp; luôn phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ. Hưởng ứng phong trào khởi nghiệp của tỉnh, trên địa bàn huyện đã có nhiều tấm gương, trang trại viên trẻ, mô hình mới được thành lập với nhiều các cách làm hay và hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho nhiều ĐVTN trong huyện. Tiêu biểu như HTX trồng Thanh long ruột đỏ ở xã Đồng Yên, HTX Thanh niên Duy Biên ở xã Hùng An, mô hình sinh vật cảnh của đoàn viên Hoắc Công Hưng ở xã Quang Minh...
Đến thăm mô hình nuôi giun quế của đoàn viên Nguyễn Quốc Việt, sinh năm 1994, thôn Minh Thắng, xã Việt Vinh. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Trong quá trình học tập tại trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, Việt theo dõi các chương trình truyền hình như “Khởi nghiệp”, “Sinh ra từ làng”, thấy mô hình nuôi giun quế không tốn chi phí, chỉ cần bỏ công, thị trường tiêu thụ cũng khá ổn định. Tốt nghiệp Đại học, Việt về quê và bắt tay vào xây dựng khu chăn nuôi với diện tích hơn 200m2. Sau gần 1 năm chăm sóc, mô hình nuôi giun quế của Việt đã cho thu nhập ổn định, với giá bán khoảng 25 – 30 nghìn đồng/1kg sinh khối giun (gồm giun, phân, kén, trứng), 3 – 5 nghìn đồng/1kg phân giun, 80 – 100 nghìn đồng/1kg giun, từ nuôi giun quế mỗi tháng Việt thu nhập trên 10 triệu đồng…
Mô hình nuôi giun quế của đoàn viên Nguyễn Quốc Việt, thôn Minh Thắng, xã Việt Vinh. |
Nhận thấy nhu cầu mua sắm hàng tiêu dùng của người dân địa phương khá lớn, nhưng lại chưa có một cơ sở nào đáp ứng được. Anh Trần Văn Thao, thôn Vinh Quang, xã Tân Quang đầu tư mở cửa hàng Bách hóa tự chọn, bán đồ dùng, tạp hóa phục vụ cho bà con. Theo anh Thao, cửa hàng tự chọn này đã giúp bình ổn giá và giúp người dân có địa chỉ tin cậy khi mua hàng, bởi các sản phẩm bày bán tại cửa hàng luôn niêm yết giá và nguồn gốc xuất xứ. Mỗi năm cửa hàng của anh Thao cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Mặt khác còn tạo điều kiện làm việc cho 6 nhân công, ngoài ăn ở tại nhà mỗi nhân viên có nguồn thu 3 triệu đồng/người/tháng. Chia sẻ với chúng tôi, anh Thao cho biết, trong thời gian tới, anh mong muốn có thể mở rộng hệ thống bán hàng, thành lập các siêu thị mini, mở chi nhánh ra các huyện khác.
Khác với đoàn viên Nguyễn Quốc Việt và anh Trần Văn Thao, anh Lưu Trần Hùng, thôn Mỹ Tân, xã Tân Quang lại tận dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương là cây chè, thành lập mô hình “Sản xuất chè và trồng hoa cây cảnh”. Hiện trong vườn của gia đình anh Hùng có khoảng 50 – 60 giò Lan đủ loại như: Phi điệp, Tai trâu, Vũ nữ, mỗi giò có giá từ 1 – 5 triệu đồng. Ngoài ra anh còn trồng gần 2.000m2 cây Tùng, giá dao động từ 2 triệu – 30 triệu đồng. Từ sản xuất chè và trồng hoa, cây cảnh, mỗi năm anh Hùng thu về gần 1 tỷ đồng. Cơ sở của anh còn tạo việc làm cho 8 nhân công với mức lương trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Bá Tuấn, Bí thư Huyện đoàn Bắc Quang, cho biết: Để thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế trong ĐVTN, thời gian tới Ban Thường vụ Huyện đoàn tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác hỗ trợ, giúp đỡ ĐVTN; khuyến khích, động viên và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đoàn viên có nhiều cơ hội cống hiến, rèn luyện, thể hiện sức trẻ, mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh; góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển hơn nữa.
Anh Lưu Trần Hùng, thôn Mỹ Tân, xã Tân Quang chăm sóc vườn cây cảnh của gia đình. |
Bài, ảnh: Thanh Thủy – My Ly
Ý kiến bạn đọc