Quang Bình phát triển cam theo hướng VietGap
BHG - Quang Bình, một trong 3 huyện có diện tích cam lớn của tỉnh. Những năm gần đây, cây cam đã đem lại giá trị lớn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; huyện Quang Bình đã chỉ đạo phát triển cây cam theo quy hoạch, tập trung tại 9 xã, thị trấn: Yên Hà, Hương Sơn, Xuân Giang, Bằng Lang, Tiên Yên, Vĩ Thượng, Tân Trịnh, Tân Bắc và thị trấn Yên Bình.
Đến nay, toàn huyện có 2.482 ha cam, trong đó diện tích chăm sóc trên 1.258 ha, diện tích cho thu hoạch gần 1.224 ha; 451 ha được cấp Chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, năng suất bình quân đối với vùng cam VietGap ước 100 tạ/ha, sản lượng ước đạt 4.500 tấn. Dự kiến năng suất cam niên vụ 2017 - 2018 ước đạt 98 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 11.990 tấn. Trong năm 2016, huyện thành lập được 13 Tổ sản xuất cam VietGap tại 7 xã: Hương Sơn, Yên Hà, Tân Trịnh, Tiên Yên, Bằng Lang, Vĩ Thượng và Xuân Giang với 531 hộ tham gia; năm 2017, huyện tiếp tục khảo sát, đánh giá và dự kiến chứng nhận gần 538 ha, với 550 hộ tham gia, thành lập 12 Tổ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.
Anh Lý Văn Tâm, thôn Nghè, xã Hương Sơn kiểm tra diện tích cam chuẩn bị thu hoạch của gia đình. |
Đến thăm gia đình anh Lý Văn Tâm, thôn Nghè, xã Hương Sơn, một trong những hộ có diện tích cam khá lớn, anh cho biết: Gia đình hiện có 2.800 gốc cam, quýt, trong đó có 2 nghìn gốc đang cho thu hoạch. Vụ cam năm trước thu hoạch được trên 50 tấn quả, năm nay mưa nhiều, sản lượng giảm, ước đạt trên 40 tấn.
Các đồng chí lãnh đạo huyện Quang Bình cho biết: Những năm gần đây, người dân đã có ý thức đầu tư từ khâu giống, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm cam. Huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ giống cam ghép để nhân dân mở rộng diện tích, đảm bảo chất lượng nguồn giống, loại bỏ một số bệnh có khả năng lây truyền từ cây mẹ sang con. Trên địa bàn huyện có khoảng 1.500 ha cam trồng theo phương pháp ghép mắt, trong đó có khoảng 1.300 ha giống cam Sành, 200 ha giống cam Vinh.
Nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm, hàng năm, tỉnh và huyện đã tổ chức nhiều Hội thi cam, Hội chợ cam để các nhà vườn tìm kiếm đầu mối tiêu thụ. Đặc biệt, năm 2016 tỉnh và các sở, ngành đã xây dựng, chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Sành Hà Giang, in ấn tem, hộp đựng sản phẩm hỗ trợ các Tổ sản xuất cam VietGap. Vụ cam năm nay, huyện đã yêu cầu các HTX xây dựng chuỗi liên kết với nhân dân trong quá trình sản xuất cam VietGap, xây dựng các chuỗi liên kết giới thiệu sản phẩm cam Sành VietGap; các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền tới người dân hiểu cách thức thực hiện cam VietGap; các Tổ sản xuất, cá nhân hộ trồng cam, các nhà vườn xây dựng chuỗi liên kết… Huyện Quang Bình đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng danh sách các hợp tác xã, Quy chế hoạt động và thành lập Hội trồng cam; phối hợp với các phòng chức năng, làm tốt công tác tuyên truyền về thương hiệu cam VietGap, thành lập các gian hàng cam Sành VietGap tại Hà Nội và các tỉnh bạn.
Bài, ảnh: HIẾN CHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc