Khơi dậy tiềm năng cây chè ở xã vùng biên Tùng Vài
BHG - Từ lâu, Quản Bạ được biết là vùng đất có những cây chè Shan tuyết cổ thụ với diện tích trên 200 ha. Là vùng núi cao có điều kiện thích hợp cho cây chè phát triển, song từ trước đến nay tiềm năng của loại cây này chưa được khai thác, phát triển tương xứng. Nhận thấy thị trường chè đang ngày càng mở rộng, HTX Suối Vui đã lựa chọn, phát triển thương hiệu chè Tùng Vài - sản phẩm chè đầu tiên của Quản Bạ.
Giám đốc HTX Suối Vui, Nguyễn Cao Chiến giới thiệu sản phẩm chè Tùng Vài. |
Được sự khuyến kích, hỗ trợ phát triển của tỉnh, huyện, nắm bắt xu thế chung của thị trường, anh Nguyễn Cao Chiến, Giám đốc HTX Suối Vui, xã Tùng Vài, cho biết: “HTX được thành lập từ tháng 1.2017, với số vốn điều lệ 1 tỷ đồng, với 17 thành viên góp vốn. Ngành nghề kinh doanh là nông nghiệp, vật liệu xây dựng…”. Sau khi khảo sát thị trường, thấy trên địa bàn huyện chưa có HTX nào sản xuất chè. Trong khi đó, số lượng cây chè ở trong nhân dân tương đối lớn, hàng năm, bà con chỉ hái chè đi bán ở ngoài chợ hoặc bán sang Trung Quốc nên giá trị thu về chưa cao, cây chè của Quản Bạ được ít người biết tới và chưa có thương hiệu. Do vậy, HTX đã đầu tư máy móc để sản xuất chè, gồm: Máy sao chè, máy vò, máy đóng gói, đăng ký thương hiệu, nhãn mác với tổng số tiền đầu tư gần 100 triệu đồng.
Anh Chiến chia sẻ, mùa thu hái chè tươi ở đây từ tháng 3, 5, 7 âm lịch, ngoài HTX còn có nhiều thương lái khác đến thu mua, nên có những thời điểm giá chè tươi (tôm chè) tăng cao lên tới 60 - 70 nghìn/kg. Hiện nay, HTX có nhiều sản phẩm chè đa dạng để phù hợp với thị trường trong và ngoài tỉnh như: Chè phơi nắng có giá 250 nghìn/kg; chè đóng gói Shan tuyết Tùng Vài 200 nghìn/kg; chè đặc biệt giá bán 1 triệu đồng/kg. Trong đó, loại chè đặc biệt được hái và chế biến ngay trong ngày. Tuy nhiên, loại chè này được sản xuất với số lượng ít do quy trình chế biến nghiêm ngặt, số lượng búp chè thu mua được khá hạn chế và giá thành cao. Công suất chế biến của HTX đạt khoảng 8 tấn chè tươi/ngày chè vàng phơi nắng; chè nội địa sản xuất theo quy trình qua máy sao, vò đạt 3 tấn/ngày. Do mới bắt đầu kinh doanh nên HTX bán được 7 tạ chè nội địa, trên 4 tấn chè vàng sang Trung Quốc, thu nhập khoảng 600 triệu đồng.
Cây chè Shan tuyết cổ thụ ở xã Tùng Vài (Quản Bạ). |
Chia sẻ thêm về tiềm năng phát triển cây chè, Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Vài, Nguyễn Trọng Tùng, cho biết, toàn xã có 81 ha chè được trồng rải rác trong nhân dân. Do bà con trồng chè chỉ để phục vụ nhu cầu gia đình và một phần mang bán, chưa coi cây chè là loại cây trồng chính nên kỹ thuật trồng chè còn nhiều hạn chế. Cây chè ít được chăm sóc, đốn tỉa thường xuyên. Tuy nhiên, theo đánh giá của các thương lái Trung Quốc và địa phương thì lá chè ở đây rất dày, nước chè xanh trong có chất lượng khá tốt, do vậy thường được thu mua với giá cao khoảng 15 nghìn đồng/kgm chè búp tươi, cho thấy giá trị của cây chè là rất cao.
Để phát triển tiềm năng của loại cây này, chính quyền địa phương đã khuyến khích thành lập HTX sản xuất chè và HTX Suối Vui đã ra đời. Tuy nhiên, do mới thành lập nên HTX vẫn còn khá lúng túng trong việc giới thiệu sản phẩm. Nhân dân cũng cần được tập huấn thêm về kỹ thuật trồng chè để dần hình thành vùng nguyên liệu, góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân. Với những nỗ lực của địa phương, hy vọng cây chè ở đây sẽ phát huy được giá trị sẵn có, trở thành loại cây làm giàu cho người dân.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc