Bắc Quang đột phá phát triển kinh tế

08:53, 15/12/2017

BHG - Kết thúc một năm thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế, huyện Bắc Quang có 49 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp đạt trên 1.684 tỷ đồng, tăng trên 218% so với năm 2016; sản lượng lương thực đạt gần 57.000 tấn, tổng đàn gia súc có gần 133.000 con; thu ngân sách địa bàn đạt 859.827,8 triệu đồng, đạt 133,9% so kế hoạch đề ra. Kết quả trên được thực hiện ra sao? và đâu là bài học kinh nghiệm được đúc rút để chỉ đạo thực hiện cho năm tiếp theo...?!

Vườn cam nhà anh Sùng Pao Sì, thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc cho thu tiền tỷ mỗi năm.
Vườn cam nhà anh Sùng Pao Sì, thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc cho thu tiền tỷ mỗi năm.

Điều đầu tiên phải khẳng định, đó là sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ và chính quyền các cấp; sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của toàn thể nhân dân các dân tộc trong huyện. Kế đó là thành quả của các chủ trương, định hướng đúng, trúng, sát thực tiễn của từng vùng, từng địa bàn dân cư trong việc hoạch định cơ chế, chính sách đầu tư, thu hút đầu tư, nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Tái cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp được chỉ đạo thực hiện xuyên suốt từ huyện đến cơ sở, cụ thể: Bắc Quang đã chia thành các vùng sản xuất hàng hoá theo hình thức “Mỗi vùng, mỗi địa phương một sản phẩm hàng hoá” để cạnh tranh và hội nhập kinh tế. Trong đó, vùng phía Đông sông Lô, tập trung sản xuất lúa gạo đặc sản, kết hợp trồng rừng kinh tế, trồng cỏ phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, thuỷ sản. Vùng phía Tây Nam, dọc theo sông Bạc, sông Lô, tập trung phát triển cây ăn quả có múi (chủ yếu là cam, quýt, bưởi đặc sản). Vùng phía Bắc ngược lên Hà Giang, tập trung phát triển kinh tế rừng kết hợp trồng cây dược liệu. Trung tâm đô thị Việt Quang, tập trung phát triển dịch vụ, thương mại... Tái sản xuất, đi kèm với ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư về đất đai, tiền vốn (dồn điền, đổi thửa và vay vốn ngân hàng theo các nghị quyết của HĐND tỉnh) và xây dựng các mô hình: Xã điển hình phát triển kinh tế, thôn điển hình “Tự chủ - Tự quản”; xã Nông thôn mới, xã kiểu mẫu về phát triển kinh tế...

Sau một năm thực hiện tái sản xuất đã cho kết quả: Các xã Bằng Hành, Kim Ngọc, Quang Minh, Vô Điếm trở thành vùng lúa chất lượng cao được người tiêu dùng biết tới. Báo cáo của UBND huyện Bắc Quang cho thấy, tổng sản lượng lương thực năm 2017 đạt gần 57.000 tấn, tăng 0,7% tương đương 389,9 tấn so cùng kỳ năm trước. Hữu Sản, Thượng Bình, Đức Xuân tràn ngập màu xanh của rừng, dưới rừng là các trang trại, gia trại phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, dê cho hiệu quả kinh tế cao. Theo con số thống kê, diện tích trồng mới rừng năm 2017 của toàn huyện là 3.614,4 ha. Sản lượng thịt lợn hơi bán ra và giết mổ đạt trên 8.580 tấn, chưa kể trâu, bò, dê. Hiện, tổng đàn gia súc của Bắc Quang có trên 133.000 con, chiếm tỷ trọng lớn trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm chè VietGap, hữu cơ được người tiêu dùng nhắc đến nhiều từ xã Hùng An, Vĩnh Tuy, Tân Thành. Tổng sản lượng chè búp tươi thu hoạch năm 2017, ước đạt trên 26.990 tấn. Nhiều thương hiệu chè nổi tiếng đã ra đời từ tái cơ cấu và đầu tư chế biến sâu như: Chè Cổng trời 1, chè hữu cơ Tân Lập do cơ sở Trà Hoàng Long liên kết với Nhật Bản sản xuất; cam ngọt, quýt thơm, bưởi quý có từ các xã: Vĩnh Phúc, Vĩnh Hảo, Tiên Kiều với những vườn đồi trĩu quả đem lại tiền tỷ cho rất nhiều gia chủ. Hội trồng cam sạch Bắc Quang đã quy tụ trên 3.700 hội viên tham gia trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap. Sản lượng cam năm nay ước đạt trên 30.700 tấn. Cam Bắc Quang đã và đang được các siêu thị, doanh nghiệp ký kết thu mua và tiêu thụ trên thị trường cả nước. Bắc Quang đang hướng tới tìm thị trường xuất khẩu cam sang các nước khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Quá trình phát triển kinh tế của Bắc Quang còn có sự đóng góp lớn từ các xã Nông thôn mới, thôn “Tự chủ, tự quản” và sự liên kết từ các HTX, các doanh nghiệp đến từ các nơi. Hiện tại, Bắc Quang đã có các liên doanh liên kết với: Công ty Cổ phần xuất, nhập khẩu Đồng Giao, Công ty TNHH Trà Hoàng Long, Công ty Cổ phần dược liệu Bông Sen Vàng, Công ty mía đường Sơn Dương... Các sản phẩn sản xuất hàng hoá làm ra được thu mua, tiêu thụ từ đó. Còn sản phẩm từ các mô hình sản xuất tại các xã Nông thôn mới như: Đồng Yên xây dựng mô hình mở rộng từ trồng, chế biến lạc (lạc nhân, tinh dầu lạc). Xã Nông thôn mới Tân Quang tập trung phát triển nghề trồng rau, hoa, cây cảnh. Hết năm 2017, toàn huyện có 5 xã hoàn thành các tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới và 57 thôn đạt chuẩn thôn “Tự chủ, tự quản” và có thêm 113 thôn xây dựng Quỹ phát triển thôn. Trong đó có, tự chủ về phát triển kinh tế, tự quản về trật tự an toàn xã hội và trở thành các thôn, làng văn hoá “kiểu mẫu” có đời sống kinh tế phát triển, làng bản xanh, sạch, bình yên.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ, du lịch đã ghi nhận: Bắc Quang có cơ chế thu hút đầu tư vào chế biến chè, gỗ, thuỷ điện khá thành công. Giá trị sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng đạt trên 1.520 tỷ đồng (tính đến hết tháng 11.2017). Hiện, toàn huyện đang có 589 Giấy chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh; riêng năm 2017, nhờ cải cách hành chính thu hút đầu tư mà Bắc Quang đã cấp mới 364 Giấy phép đăng ký kinh doanh, tăng cao so cùng ký năm trước. Đánh giá chung cho thấy, năm 2017 vẫn là năm hết sức khó khăn. Tuy nhiên, Bắc Quang vẫn dải ngân cho vay phát triển kinh tế đạt số dư 1.695,7 tỷ đồng, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,68%; với một nhận xét rất đáng mừng, đó là: Đồng tiền ngân hàng đang “thấm” sâu vào nền kinh tế, do đó, đã tạo ra nguồn thu ngân sách trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đạt 859.827,8 triệu đồng, đạt 133,9% cao nhất từ trước tới nay.

Bài học kinh nghiệm là bám sát thực tiễn, bởi thực tiễn sẽ cho chúng ta câu trả lời chính xác nhất là làm cái gì, làm thế nào, vốn, cơ chế ở đâu, từ đâu… Đi song hành là công tác điều hành, chỉ đạo sản xuất. Kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2017 tại Bắc Quang đã khép lại. Song, bài học thực tiễn trong công tác hoạnh định chính sách và chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế thì vẫn còn “nóng” và giữ nguyên giá trị. Tin tưởng năm 2018, Bắc Quang sẽ có nhiều cách làm “đột phá” gặt hái thành công hơn nữa trong tất cả các lĩnh vực phát triển KT – XH và phát triển bền vững.

NGUYỄN MẠNH HÙNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giải quyết nợ đọng tiền Dịch vụ môi trường rừng

BHG - Sáng 14.12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức họp với một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy điện, nhằm giải quyết nợ đọng tiền Dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Dự buổi họp có đại diện lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, các doanh nghiệp thủy điện.

15/12/2017
Công ty Điện lực Hà Giang cụ thể hóa việc thực hiện Văn hóa doanh nghiệp

BHG - Công ty Điện lực Hà Giang hiện đang quản lý 5.515,39 km đường dây, trong đó: 2.608,39 km đường dây trung thế, 2.907 km đường dây hạ thế, 1.460 trạm biến áp, với tổng dung lượng 253.729 kVA; đạt 100% xã, phường, thị trấn có điện lưới Quốc gia. Trong đo, số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia đạt 82,7%. Trong những năm qua, Công ty luôn phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật và nhiệm vụ chính trị được giao. 

15/12/2017
UBND tỉnh chỉ đạo việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản tại xã Ngọc Minh và Bạch Ngọc

BHG - Để khắc phục kịp thời các ảnh hưởng đến môi trường, sản xuất và đời sống của nhân dân do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra tại xã Ngọc Minh và Bạch Ngọc, ngày 12.12.2017, UBND tỉnh ban hành Công văn số 5045/UBND-KTN về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản tại hai xã trên, nội dung như sau: Đối với Công ty TNHH Ban Mai, dừng ngay các hoạt động khai thác, tuyển quặng tại mỏ Mangan Tân Bình, xã Ngọc Minh để khắc phục các tồn tại trong việc xử lý nước thải và bùn thải quặng đuôi gồm...

15/12/2017
Tuổi trẻ Bắc Quang xung kích trong phát triển kinh tế

BHG - Huyện Bắc Quang có khoảng 24 nghìn ĐVNT, chiếm gần 30% dân số toàn huyện. Đại đa số thanh niên đều có khát vọng vươn lên, thể hiện ý chí lập thân, lập nghiệp; luôn phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ. Hưởng ứng phong trào khởi nghiệp của tỉnh, trên địa bàn huyện đã có nhiều tấm gương, trang trại viên trẻ, mô hình mới được thành lập với nhiều các cách làm hay và hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho nhiều ĐVTN trong huyện. 

13/12/2017