Phát huy vai trò chợ nông thôn trong phát triển kinh tế ở Bắc Mê

08:52, 11/10/2017

BHG - Nhằm từng bước xây dựng hệ thống chợ nông thôn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, góp phần xây dựng Nông thôn mới; những năm qua, huyện Bắc Mê đã đầu tư xây mới, nâng cấp và sửa chữa mạng lưới chợ nông thôn trên địa bàn, từng bước thúc đẩy KT-XH ngày càng phát triển.

Là huyện có địa bàn rộng, dân số tương đối đông, nên nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân khá cao so với các địa phương khác trong tỉnh. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, nên thường đi chợ từ sớm. Vì vậy, hầu hết các phiên chợ đều được họp rất sớm. Bà Minh bán thịt lợn lâu năm ở chợ Yên Định cho biết, bà đã bán hàng ở đây từ những ngày thành lập chợ, người mua đã quen mặt nên hàng lúc nào cũng đông khách. Chợ ở đây khá nhộn nhịp, người mua đa số là dân lao động nên chợ chỉ họp đến nửa buổi là vắng. Khác với chợ Yên Định, chợ Minh Ngọc lại đông khách từ sáng đến chiều, là chợ tuyến xã nhưng không khí mua bán nhộn nhịp không kém các chợ ở thị trấn. Theo 1 số tiểu thương cho biết, chợ ở đây được xem như là chợ trung tâm của huyện Bắc Mê vì không chỉ phục vụ người dân trong xã mà còn đáp ứng nhu cầu mua, bán, trao đổi với các xã lân cận như: Minh Sơn, Thượng Tân... Chị Nông Thị Toàn, chủ cửa hàng tạp hóa tại chợ Minh Ngọc cho hay: Trước đây muốn đi lấy hàng về để bán phục vụ bà con, chị phải đi mấy chục cây số lên chợ huyện hoặc ra ngoài tỉnh để mua. Giờ đây không phải đi nữa, hầu như các đại lý lớn đã chở đến tận nơi cho chúng tôi, có đầy đủ các mặt hàng như hoa quả, đến các loại quần áo, giày dép bình dân hay cao cấp. Người dân muốn mua gì chỉ cần đến chợ là thỏa sức lựa chọn.

Người dân mua bán hàng hóa tại Chợ trung tâm thị trấn Yên Phú.
Người dân mua bán hàng hóa tại Chợ trung tâm thị trấn Yên Phú.

Ông Nguyễn Bình Giang, Chủ tịch UBND xã Minh Ngọc cho biết: Để quản lý chợ hiệu quả, xã và huyện đã chỉ đạo cho các hộ kinh doanh tự thành lập Ban quản lý chợ để thu phí chợ và dọn dẹp vệ sinh môi trường. Khi triển khai xây dựng chợ mới, xã vận động bà con đóng góp xây dựng theo hình thức xã hội hóa và được các hộ kinh doanh đồng tình hưởng ứng. Mọi thứ ở đây đều có đầy đủ, hàng hóa mang đến chợ cũng tăng về số lượng và chất lượng, người dân không còn phải nhọc nhằn tìm kiếm nguồn hàng phục vụ sinh hoạt hàng ngày như trước.

Khác với chợ phiên được họp ở các xã, chợ trung tâm huyện là đầu mối cung cấp hàng hóa cho các chợ trên địa bàn huyện. Thời gian đầu, chợ chỉ họp theo phiên vào Chủ nhật hàng tuần. Năm 2010, UBND huyện Bắc Mê đã chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ UBND thị trấn Yên Phú sang cho doanh nghiệp quản lý điều hành. Công ty TNHH Cát Thành được giao quản lý và khai thác đã xây dựng thêm 40 gian hàng hoạt động thường xuyên. Hiện nay, các hộ kinh doanh hàng tạp hóa, quần áo, vải, đồ uống... khu thực phẩm tươi sống, được thiết kế bài bản theo từng khu riêng biệt. Các lối đi vào chợ được bố trí thuận tiện, hàng hóa phong phú, sức mua ngày càng lớn, người đến chợ cũng tấp nập hơn xưa. Các hộ kinh doanh đã ký hợp đồng với doanh nghiệp theo năm và trả phí thuê ki-ốt mỗi tháng 2 triệu đồng. Chị Tô Thị Hương, chủ cửa hàng tạp hóa cho biết: Chợ được đầu tư xây dựng khang trang, sạch sẽ nên việc buôn bán của chị cũng thuận lợi, có nhiều khách hàng.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đỗ Bình, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 11/13 xã, thị trấn có chợ nông thôn, 2 xã chưa có nhu cầu xây dựng chợ là xã Yên Phong và xã Phú Nam vì địa phương này nằm gần với chợ trung tâm huyện. Đa số các chợ hoạt động 3 phiên/tháng, hoạt động thương mại, dịch vụ tại các chợ tăng về số lượng cơ sở kinh doanh lẫn chất lượng, các chủng loại hàng hóa ngày càng đa dạng và phong phú, từng bước đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa. Đồng thời, qua đó đẩy mạnh việc cung ứng, tiêu thụ hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, tạo cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Để chợ nông thôn phát huy được hiệu quả, đồng thời đạt tiêu chí Nông thôn mới. Thời gian tới, huyện Bắc Mê tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư vào việc phát triển chợ nông thôn trên địa bàn; tiếp tục vận động bà con tham gia họp chợ, xây dựng văn hóa chợ; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của bà con nhân dân, vừa phù hợp với tập quán của người dân để công trình chợ nông thôn phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích cho người dân.

Bài, ảnh: Văn Quân


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ - "đòn bẩy" quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển

BHG-Trong 9 tháng của năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 180 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, tổng vốn đăng ký trên nghìn tỷ đồng; 200 DN được khai sinh từ khi có Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020... 

11/10/2017
Thanh niên làm giàu từ mô hình chăn nuôi tổng hợp

BHG - Phát huy tinh thần xung kích của thanh niên, với bản lĩnh, trí tuệ, dám nghĩ dám làm; nhiều thanh niên vùng cao đã phát triển các mô hình kinh tế có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Anh Hà Ngọc Dân ở thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) đã phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

10/10/2017
Thành công trong dồn điền, chỉnh trang đồng ruộng ở Bắc Quang

BHG - Sau 3 năm thực hiện, Chương trình dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) gắn với cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng, đưa ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Quang đã đạt được những kết quả ấn tượng. 

10/10/2017
Sở Công thương tổ chức Phiên chợ đưa hàng Việt về biên giới tại xã Lũng Cú (Đồng Văn)

BHG-Từ ngày 6-10.10, Sở Công thương đã phối hợp với huyện Đồng Văn tổ chức Phiên chợ đưa hàng Việt về biên giới tại xã Lũng Cú.

10/10/2017