Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ - "đòn bẩy" quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển
BHG-Trong 9 tháng của năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 180 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, tổng vốn đăng ký trên nghìn tỷ đồng; 200 DN được khai sinh từ khi có Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020... nâng số DN hoạt động trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại lên 2.168, tổng vốn đăng ký trên 31,5 nghìn tỷ đồng. Kết quả trên khẳng định, Nghị quyết 35/NQ-CP thực sự đi vào cuộc sống, tạo “đòn bẩy” giúp DN không ngừng sinh sôi và lớn mạnh.
Ngày 16.5.2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu đến năm 2020, xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững; cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, khoảng 30 - 35% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới, sáng tạo...
Từ sự hỗ trợ của tỉnh, Công ty Cổ phần phát triển công nghệ Hà Giang nhanh chóng hoàn tất thủ tục, được công nhận DN khoa học công nghệ (KHCN). Trong ảnh: DN KHCN trồng dược liệu tại Quyết Tiến (Quản Bạ). |
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp cụ thể, triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC); đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; rà soát quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoặc loại bỏ cho phù hợp với thị trường và quyền kinh doanh của DN; xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối DN theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN xã hội phát triển, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN vừa và nhỏ thông qua việc cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, đơn vị, tập trung triển khai Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 6.6.2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng DN.
Việc triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự hưởng ứng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ở mỗi ngành, lĩnh vực đều có cách làm hay, cụ thể, sáng tạo vì DN. Cụ thể, trong công tác CCHC, hiện có 18 sở, ngành và các đơn vị đặc thù như Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh, 6/6 cơ quan ngành dọc của T.Ư cũng thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông; 11/11 huyện, thành phố và 195/195 xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế “một cửa”, trong đó có 5/11 huyện, thành phố, thành lập Trung tâm giải quyết TTHC công. Đặc biệt, tỉnh ta đã thành lập, công khai đường dây nóng, hỏi - đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận, phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến tình trạng chậm giải quyết TTHC, tình trạng vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, tiêu cực trong hoạt động quản lý nhà nước; hoàn thành, vận hành hiệu quả hệ thống truyền hình trực tuyến đến 100% các xã trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh ứng dụng và tích hợp chữ ký số chuyên dùng vào phần mềm quản lý văn bản điều hành công việc, phần mềm thư điện tử công vụ của tỉnh; triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3, 4 phục vụ người dân và DN.
Trong quý III năm 2017, công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ các tổ chức, công dân, DN qua bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được thực hiện đúng quy trình. Các sở, ngành đã tiếp nhận 6.158 hồ sơ, trong đó giải quyết đúng hạn, trước hạn 5.649 hồ sơ, đạt gần 92%; cơ quan T.Ư đóng tại địa phương tiếp nhận 175.855 hồ sơ, giải quyết đúng hạn, trước hạn 173.620 hồ sơ, đạt gần 99%; cấp huyện, thành phố tiếp nhận 136.774 hồ sơ, giải quyết đúng hạn, trước hạn 12.849 hồ sơ, đạt gần 97%; cấp xã tiếp nhận 136.034 hồ sơ, giải quyết đúng và trước hạn 135.774 hồ sơ, đạt trên 99%... Qua theo dõi cho thấy, các DN, người dân đều hài lòng trước tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức các cấp.
Bên cạnh đó, tỉnh ta còn triển khai nhiều hoạt động mang tính kết nối, hỗ trợ DN như: Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đổi mới và hiện đại hóa công nghệ khai thác khoáng sản đến năm 2025; phát triển các điểm kinh doanh và chợ chuyên kinh doanh dược liệu trên địa bàn tỉnh; xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cà chua an toàn sản xuất tại tỉnh năm 2017... Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại trong nước với tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc); triển khai đề cử doanh nhân tham dự giải thưởng dịch vụ thương mại Việt Nam 2016...
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự nỗ lực của các cấp, ngành trong triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP, các DN trên địa bàn tỉnh được tạo thuận lợi mở rộng sản xuất, kinh doanh, tiếp cận tốt các chính sách hỗ trợ của T.Ư và tỉnh. Từ khi có Nghị quyết 35/NQ-CP đến nay, toàn tỉnh có 200 DN được thành lập mới, nâng tổng số DN hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 2.168, tổng vốn đăng ký trên 31,5 nghìn tỷ đồng. Trong 9 tháng của năm 2017, UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận (GCN) đăng ký đầu tư cho 20 dự án với tổng vốn gần 964 tỷ đồng; cấp điều chỉnh GCN đầu tư cho 10 dự án trong lĩnh vực thủy điện, khoáng sản, xây dựng; 3 dự án đầu tư nước ngoài có tổng vốn đăng ký trên 142 tỷ đồng cũng được UBND tỉnh cấp GCN.
Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết, chương trình, kế hoạch và cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển DN; đẩy mạnh cải cách TTHC, rút ngắn quy trình xử lý và thời gian thực hiện TTHC, giảm chi phí hành chính; hỗ trợ DN phát triển sản xuất an toàn; nghiên cứu, vận dụng các chủ trương, cơ chế, chính sách của Nhà nước đã ban hành đối với DN, nhằm đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ, thiết bị, phù hợp điều kiện của tỉnh... nhằm tạo động lực kép, giúp DN không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tỉnh.
THIÊN THANH – PHAN MẠNH
Ý kiến bạn đọc