Doanh nhân trẻ đồng hành cùng sự phát triển của mảnh đất biên cương
BHG - Hội Doanh nhân trẻ (DNT) Hà Giang vừa tiến hành Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2017- 2022. Với khẩu hiệu “Doanh nhân trẻ Hà Giang đoàn kết-sáng tạo-hành động-phát triển, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh”, các DNT đang khẳng định sức trẻ, nhiệt huyết, đồng hành cùng sự phát triển của mảnh đất biên cương. Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10, phóng viên Báo Hà Giang có cuộc trao đổi với ông Đỗ Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội DNT về khát vọng, hoài bão, cống hiến của thế hệ DNT.
Phóng viên (P/v): Trước hết, xin chúc mừng ông được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội DNT. Với tư cách một chủ doanh nghiệp, ông nhận xét gì về những người trẻ và DNT của tỉnh.
Ông Đỗ Ngọc Thuận: Trong quá trình vận động thành lập Hội DNT, chúng tôi đã xác định, trên địa bàn tỉnh có hơn 200 nghìn người thuộc lứa tuổi thanh niên, chiếm 25% dân số và 45% trong độ tuổi lao động. Thông qua các phong trào, hoạt động của tuổi trẻ như: Xung kích tình nguyện, định hướng và giới thiệu việc làm, hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp, khuyến khích, động viên thanh niên nông thôn lập nghiệp tại quê hương... toàn tỉnh đã duy trì 181 mô hình câu lạc bộ, 11 tổ hợp tác, HTX thanh niên phát triển kinh tế; 135 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi với thu nhập bình quân 80 triệu đồng/năm; hỗ trợ 9 dự án thanh niên phát triển kinh tế, có khoảng trên 20% DNT trong tổng số doanh nghiệp của tỉnh hoạt động trên các lĩnh vực. Thực tế đã chứng minh, các bạn trẻ ngày nay rất năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, biết biến cái khó khăn, khác biệt thành động lực phát triển. Qua đó, ngày càng xuất hiện nhiều gương thanh niên là chủ doanh nghiệp, thanh niên làm kinh tế giỏi, khởi nghiệp thành công.
P/v: Thương trường như chiến trường, DNT lao vào sóng gió thương trường sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn. Theo ông, DNT cần làm gì để vượt qua thử thách?
Ông Đỗ Ngọc Thuận: Trước hết, xin khẳng định, Hội DNT ra đời và đi vào hoạt động là bước tiến quan trọng, góp phần tập hợp các doanh nhân, doanh nghiệp chung hoài bão, khát vọng vươn lên. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh nhiều doanh nghiệp trẻ quy mô còn nhỏ; chiến lược kinh doanh chư¬a rõ ràng; tính ổn định chưa cao; trình độ quản lý, công nghệ, năng lực cạnh tranh còn thấp so với yêu cầu hội nhập kinh tế. Bên cạnh đó, tính liên kết, hợp tác giữa các DNT còn hạn chế, số lượng hội viên phát triển còn chậm, chưa đạt yêu cầu về chất lượng. Những hạn chế này thực sự là điểm yếu cần phải được nhận diện rõ, từ đó mỗi doanh nhân, doanh nghiệp có giải pháp phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, có chiến lược bài bản từ khâu sản xuất, tiếp thị, truyền thông, quáng bá thương hiệu... mới có thể đứng vững trên thương trường đầy khốc liệt.
P/v: Những hạn chế đã được chỉ rõ, vậy Hội DNT có giải pháp gì giúp các doanh nghiệp vượt sóng, vươn khơi?
Ông Đỗ Ngọc Thuận: Đại hội vừa qua đã xác định rõ mục tiêu tăng cường đoàn kết, tập hợp đội ngũ DNT, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức hội; không ngừng đổi mới nội dung, phương thức, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, đoàn kết, sáng tạo; cổ vũ lực lượng DNT thi đua học tập, khởi nghiệp, lao động sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ... Nhiệm kỳ này, hội phấn đấu 100% doanh nghiệp thành viên và hội viên được học tập, quán triệt, tuyên truyền về các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức doanh nghiệp và các hoạt động tình nguyện, an sinh xã hội, xây dựng Nông thôn mới; hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất; đồng hành, hỗ trợ từ 5 - 10 ý tưởng khởi nghiệp cho thanh niên...
Nhiệm vụ đặt ra rất nhiều, nhưng tập trung ở 2 chương trình lớn: Nâng cao năng lực của doanh nhân và tiềm lực của doanh nghiệp; chung sức xây dựng tỉnh Hà Giang trên tinh thần doanh nghiệp mạnh- tỉnh mạnh. Từ đó, hội làm tốt trách nhiệm bảo vệ quyền lợi, giúp sức doanh nhân; đại diện tiếng nói, phản ánh nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp, tham gia phản biện, hoàn thiện các chính sách, giúp khơi thông hành lang pháp lý, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; phản ánh kịp thời những vướng mắc, nguyện vọng của doanh nhân đến chính quyền, nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi.
Bên cạnh việc đó, hội tích cực tham gia tìm kiếm cơ hội hợp tác, kết nối cho hội viên; tổ chức các hoạt động giao lưu, liên kết hội viên; khuyến khích, hỗ trợ hội viên triển khai các dự án; cung cấp thông tin, hỗ trợ hội viên triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, tham gia các chương trình hội chợ, triễn lãm... Từ đó, các hội viên sẽ tạo được sân chơi, chỗ đứng vững chắc trên thương trường, từng bước lớn mạnh, có đóng góp tích cực cho sự phát triển của mảnh đất biên cương.
P/v: Xin cảm ơn ông!
THIÊN THANH (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc