Xã Bát Đại Sơn phát triển các mô hình kinh tế
BHG - Là xã biên giới nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, người dân chưa mạnh dạn phát triển kinh tế, còn có người đi lao động trái phép ở Trung Quốc... Từ đó, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Bát Đại Sơn đã quyết tâm xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.
Chợ Bát Đại Sơn (Quản Bạ) mới thành lập, thu hút khá nhiều hộ kinh doanh. |
Đến Bát Đại Sơn vào ngày chợ, mới thấy được sự nhộn nhịp của khu chợ mới thành lập này. Chủ tịch UBND xã, Nguyễn Văn Sơn, vui mừng chia sẻ: “Trước đây, chợ của xã là khu chợ tạm, nhếch nhác, không theo quy hoạch. Chúng tôi suy nghĩ, nếu muốn phát triển kinh tế mà không có chợ cho đàng hoàng thì khó mà khuyến kích được người dân. Chính vì vậy, cấp ủy Đảng, chính quyền xã đã thảo luận và đưa ra phương án quy hoạch chợ ở thôn Mố Lùng. Để thu hút các hộ kinh doanh đến chợ, xã đã tạo điều kiện từ việc san ủi mặt bằng, không tính tiền thuê ô chợ hàng tháng mà chỉ thu phí họp chợ thôi. Thấy được sự ưu đãi, khuyến kích, nên đã thu hút nhiều hộ kinh doanh vào chợ buôn bán; thậm chí có nhiều hộ tự bỏ tiền ra để đầu tư cho vị trí bán hàng của mình, bước đầu thực hiện công tác xã hội hóa”.
Chợ Bát Đại Sơn họp vào thứ 4 hàng tuần, có hơn 90 gian hàng các loại như: Sạp bán quần áo, tạp hóa, điện tử, ăn uống, bán thực phẩn tươi sống... nhộn nhịp chẳng kém chợ huyện. Anh Phàn Cù Mìn, chủ sạp hàng tạp hóa, cho biết: “Xã san ủi mặt bằng, tạo khu chợ mới rộng rãi đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi đến buôn bán ở đây; chúng tôi rất ủng hộ chủ trương của xã đề ra, mong xã tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh”. Có chợ mới, bà con phấn khởi vì chợ đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, không phải đi xa như trước để mua, bán.
Cũng từ đó, không khí phát triển kinh tế của xã thêm phần sôi nổi. Chính quyền địa phương khuyến kích người dân phát triển chăn nuôi như: Vận động các hộ ở thôn Sán Trồ, Na Quang thực hiện mô hình nuôi bò hàng hóa; hiện có 17 hộ đang chăn nuôi từ 4 đến 6 con bò vỗ béo để bán. Khác với trước kia chỉ chăn nuôi bò để lấy sức kéo, giờ tư duy của người dân đã thay đổi; nhiều người có suy nghĩ nuôi bò phát triển kinh tế. Các hộ dân đều đồng tình với chủ trương của xã do đã có chợ nên việc buôn bán cũng thuận tiện hơn, không phải đi xa mấy chục cây số để tìm người mua bò như trước. Không chỉ nuôi bò, việc chăn nuôi gà địa phương cũng phát triển. Nếu trước kia hầu như chưa có hộ nào nuôi gà với quy mô từ 100 con trở lên, thì nay đã có hộ mạnh dạn vay vốn phát triển mô hình 1.000 con gà. Anh Giàng Mí Hầu, ở thôn Sán Trồ, là một trong những thanh niên khởi nghiệp, đang quyết tâm thực hiện nuôi đàn gà quy mô 1.000 con. Hiện nay, anh đã có trên 250 con gà, gia đình đã bỏ tiền ra mua 1 máy ấp trứng mini công suất 40 – 50 con/lần ấp. Dù mới bước đầu phát triển đàn gà quy mô lớn, song mô hình của gia đình anh đang phát triển khá tốt.
Phát huy một thế mạnh khác của xã là nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây hồng không hạt. Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã có 19 hộ ở thôn Na Quang trồng 352 cây hồng; trong đó, có gần 100 cây đã cho thu hoạch. Sau vài mùa thu hoạch hồng cho hiệu quả kinh tế khá, người dân đã chịu khó đầu tư vào trồng hồng để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, có một số hộ trồng Thảo quả ở thôn Xà Phìn và Thào Chư Phìn với quy mô 152 ha. Bằng các mô hình kinh tế tổng hợp, phát huy những thế mạnh, điều kiện tự nhiên sẵn có của địa phương. Được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ sát sao của Đảng ủy, sự giám sát và phối hợp có hiệu quả của chính quyền địa phương. Các nỗ lực phát triển KT-XH của người dân vùng biên này đang được triển khai có hiệu quả.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc