Thành công Đề án trồng dứa ở Phong Quang
BHG - Đề án phát triển dứa tại xã Phong Quang (Vị Xuyên) được thực hiện theo Quyết định số 4116 của UBND huyện Vị Xuyên từ 10.11.2015. Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, Phòng Nông nghiệp – PTNT đã phối hợp với Công ty Cổ phần xuất khẩu thực phẩm (CPXKTP) Đồng Giao (Ninh Bình) và 143 hộ tại thôn Lùng Càng, Bản Mán, Lùng Châu, xã Phong Quang cùng triển khai thực hiện. Đến nay, qua đánh giá của cơ quan chuyên môn và người dân trực tiếp trồng dứa khẳng định: Đề án phát triển dứa đã thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác trên cùng một đơn vị diện tích; từ đo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cân dứa giao nhập cho Công ty. |
Nhằm thực hiện Đề án một cách tốt nhất, huyện đã tổ chức cho cán bộ chuyên môn, cán bộ xã, thôn và một số hộ nông dân đi tham quan học tập tại vùng phát triển dứa của Công ty CPXKTP Đồng Giao ở tỉnh Ninh Bình và vùng phát triển dứa ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT về kỹ thuật trồng, thâm canh cây dứa; thành lập Tổ chỉ đạo thực hiện Đề án trồng dứa cấp huyện, xã; phân công nhiệm vụ cụ thể cho Tổ trưởng và các thành viên. Các đơn vị thực hiện có sự phối hợp nhịp nhàng trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình thực trạng sản xuất, kịp thời đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất tại cơ sở... Dự án được huyện giao cho xã làm chủ đầu tư, các hộ tham gia được huyện và Công ty CPXKTP Đồng Giao cho vay 100% chồi giống, phân bón, vật tư theo hình thức đầu tư có thu hồi, với tổng số tiền là 2 tỷ 626 triệu đồng; người dân đối ứng 250 triệu đồng. Đề án được triển khai thực hiện trên diện tích 52 ha tại 3 thôn: Lùng Càng, Lùng Châu và Bản Mán. Theo thống kê của ngành chuyên môn, có 42,6 ha được chăm sóc, phát triển tốt, còn lại 9,4 ha do các yếu tố như: Kỹ thuật chăm sóc, đầu tư kém, lựa chọn đất trồng chưa phù hợp; nên sản phẩm chưa đảm bảo tiêu chuẩn. Trong vụ 1, vụ đầu tiên thực hiện Đề án, có 48,33/52 ha diện tích cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 18 tấn/ha. Đặc biệt, một số diện tích đầu tư, chăm sóc tốt, năng suất đạt 30 – 33 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 861 tấn, cho doanh thu trên 4 tỷ đồng; trong đó, bán cho Công ty CPXKTP Đồng Giao 466 tấn với giá 3.500 đồng/kg, thu 1 tỷ 631 triệu đồng; bán ra thị trường 395 tấn với giá 6.000 đồng/kg, thu 2 tỷ 370 triệu đồng. Hiện, còn khoảng 15 ha dứa trái vụ (sẽ thu hoạch sau Tết Nguyên đán), ước tính trọng lượng bình quân là 0,5 kg/quả; Công ty thu mua với giá 5.000 đồng/kg sẽ cho thu nhập 1 tỷ 932 triệu đồng. Ngoài ra, người dân còn thu nhập từ chồi giống với số tiền là 2 tỷ 318 triệu đồng. Như vậy, tính tổng thu nhập của Đề án đạt 8 tỷ 251 triệu đồng, so với trồng ngô; sau 30 tháng trồng dứa (tương đương 5 vụ ngô) cho thu nhập cao hơn 44,5 triệu đồng/ha.
Sản phẩm dứa Phong Quang được Công ty Cổ phần xuất khẩu thực phẩm Đồng Giao thu mua. Ảnh: AN DƯƠNG |
Có thể nói, có được kết quả trên, Đề án đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp và Công ty CPXKTP Đồng Giao. Qua thu hoạch vụ 1 đã có những hộ nông dân điển hình về trồng và thu nhập từ dứa như: Hộ Hoàng Văn Quý, thôn Lùng Càng; Đỗ Tuấn Chinh, thôn Bản Mán; Cháng Kim Cương, Long Đức Vân, thôn Lùng Châu đều có thu nhập từ 40-55 triệu đồng trên diện tích canh tác.
Trên cơ sở kết quả đạt được tại xã Phong Quang, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, Lương Văn Đoàn cho biết: Bước sang năm 2018, huyện tiếp tục triển khai nhân rộng tại các xã có điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng giống với xã Phong Quang như: Phú Linh, Kim Linh, Kim Thạch, Tùng Bá, Đạo Đức, Thanh Thủy, Minh Tân,... mỗi xã trồng từ 5 ha trở lên. Các xã tiếp tục tuyên truyền hiệu quả kinh tế của Đề án để người dân nắm rõ, hiểu và tham gia thực hiện nhân rộng trong những năm tiếp theo. Huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với UBND các xã phân công cán bộ phối hợp tổ chức triển khai, theo dõi, thực hiện. Huyện cũng đề nghị Công ty CPXKTP Đồng Giao tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ trồng dứa; đặc biệt là kỹ thuật kích dứa ra hoa trái vụ, kỹ thuật định chồi để thu chồi giống; tiếp tục bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo nguyên tắc cả người dân và doanh nghiệp cùng có lợi. Các ngành, các cấp của huyện cùng với Công ty và người dân tập trung phối hợp chặt chẽ nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình thực hiện để Đề án thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao một cách lâu bền.
AN DƯƠNG
Ý kiến bạn đọc