Người dân Khai Hoang Bản Vàng giàu có nhờ trồng cây ăn quả
BHG - Những ai khi đến với Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn từ tháng 5 đến tháng 9, chắc chắn sẽ rất thích thú khi ngắm nhìn những vườn cây ăn quả (CAQ) sai trĩu cành, khi đi qua địa phận thôn Khai Hoang Bản Vàng, xã Hữu Vinh (Yên Minh). Bởi thời gian này đang vào mùa các loại CAQ chín rộ. Người dân nơi đây đã và đang ngày càng giàu có nhờ phát triển các loại CAQ.
Thôn Khai Hoang Bản Vàng nằm sát Quốc lộ 4C theo hướng Yên Minh – Mèo Vạc. Đoạn đường qua thôn chỉ khoảng hơn 2 km, nhưng dọc hai bên đường là những vườn CAQ được người dân nơi đây chăm sóc kỹ lưỡng; trong đó có nhiều loại mới được trồng thử nghiệm trong những năm gần đây như: Mít, na, vải, hồng không hạt, dứa, ổi,... đang cho thấy hiệu quả kinh tế cao. Trưởng thôn Khai Hoang Bản Vàng, Lưu Minh Tắng cho biết: Thôn chúng tôi chỉ có 28 hộ dân thì hầu hết đều phát triển kinh tế dựa vào trồng CAQ. Nhiều hộ trồng tới vài ha, hàng năm cho thu nhập từ vài chục cho đến vài trăm triệu đồng.
Từ trồng cây ăn quả, gia đình ông Chu Tả Thắng nuôi các con ăn học đầy đủ và có cơ ngơi khang trang như hôm nay.Trong ảnh: Ngôi nhà xây 3 tầng kiên cố mới được gia đình ông Thắng xây xong. |
Theo chia sẻ của chị Hoàng Thị Hoài, cán bộ nông nghiệp xã Hữu Vinh, Khai Hoang Bản Vàng là thôn đi đầu và thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi các loại cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao. Ngay từ những năm 2000, người dân Khai Hoang Bản Vàng đã biết bỏ trồng ngô để trồng mía. Đây được coi là địa phương trồng mía đầu tiên ở các huyện vùng cao của tỉnh. Cây mía khi đó đem lại giá trị cao gấp 3 đến 4 lần cây ngô. Khi các địa phương khác bắt đầu trồng mía, thị trường bão hòa, một số hộ dân ở Khai Hoang Bản Vàng lại bỏ mía trồng CAQ. Người đi đầu đưa CAQ vào trồng trên đất Khai Hoang Bản Vàng này là gia đình ông Vàng Mìn Pao và Chu Tả Thắng. Ông Chu Tả Thắng cho biết: “Nhà tôi có 3 ha đất, trước đây trồng ngô khổ lắm, chỉ đủ cái ăn; sau chuyển sang trồng mía, thu nhập cũng khá hơn. Nhưng sau một số lần đi thăm người thân ở các tỉnh khác, thấy họ trồng các loại CAQ rất tốt, bán được giá, thu nhập cao; nên tôi quyết định thử nghiệm. Mía đã cho thu nhập cao hơn ngô nhưng CAQ còn cao hơn nữa. Bây giờ chỉ cần thu một vụ quả, tính ra bằng cả 10 năm trồng ngô”.
Được biết, hiện nay 3 ha đất của gia đình ông Chu Tả Thắng trồng 180 cây vải, 60 cây hồng xiêm, hàng trăm cây na, xoài và dưới tán các loại cây này ông trồng kín dứa. Mùa quả năm nay, ông dự tính sẽ thu được trên dưới 200 triệu đồng. Ông Thắng vui mừng khoe: “Con cái của tôi lớn lên cũng bằng CAQ và cả ngôi nhà 3 tầng tôi mới xây vừa để ở và làm nhà nghỉ này nữa...” Theo trưởng thôn Khai Hoang Bản Vàng, gia đình ông Thắng dù có nhiều diện tích trồng cây ăn quả và thu nhập cao từ các loại cây này; nhưng không phải là hộ trồng nhiều nhất. Trong thôn có nhiều hộ trồng đến gần 10 ha các loại cây ăn quả và có thu nhập đến 3 – 400 triệu mỗi năm. 28 hộ dân trong thôn hiện nay, chỉ còn một số hộ người Mông sống trên núi, không trồng CAQ là còn nghèo; các hộ trồng CAQ đều khá giả và giàu có.
Theo thống kê, người dân thôn Khai Hoang Bản Vàng trồng trên 10 loại cây ăn quả như: Vải, xoài, ổi, mít, na, hồng không hạt, dứa, táo, hồng xiêm, đu đủ, mận... Với tổng diện tích gần 65 ha. Trong đó, nhiều nhất là dứa 28 ha, hồng không hạt 12,3 ha, ổi 11 ha, xoài 13 ha. Bí thư Đảng ủy xã Hữu Vinh, Nguyễn Thị Hoài, cho biết: Hữu Vinh được huyện lựa chọn thực hiện Đề án phát triển toàn diện về kinh tế nông nghiệp và được lựa chọn làm vùng phát triển CAQ của huyện. Thôn Khai Hoang Bản Vàng được xã lựa chọn làm vùng lõi phát triển các loại CAQ, bởi kinh nghiệm của người dân và giá trị kinh tế của các loại CAQ ở đây đã được khẳng định giúp bà con thoát nghèo và làm giàu những năm qua. Với định hướng phát triển của huyện cùng nhận thức cao và sự quan tâm, đầu tư của các hộ dân; chắc chắn, CAQ ở Khai Hoang Bản Vàng sẽ còn đem lại giá trị cao hơn nữa cho người dân.
Bài, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc