Hồi sinh "nhựa sống" trên quê hương Nà Sát

16:34, 18/08/2017

BHG - Vận động cùng dòng chảy lịch sử 126 năm Ngày thành lập tỉnh (20.8.1891 – 20.8.2017) và 26 năm Ngày tái lập tỉnh (1.10.1991 – 1.10.2017); dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, chính quyền địa phương, thôn đặc biệt khó khăn Nà Sát thuộc xã biên thùy Thanh Thủy (Vị Xuyên) đang bước qua truân chuyên để hồi sinh “nhựa sống”.

Bước qua truân chuyên...

Khi chiến tranh xảy ra trên tuyến biên giới, nhiều thanh niên của thôn Nà Sát chọn ở lại quê hương, tham gia nhập ngũ để bảo vệ nơi “chôn rau, cắt rốn”. Nhưng chiến tranh cũng buộc hàng chục hộ dân của thôn Nà Sát phải ly hương để đảm bảo sự an toàn... Song, ngày trở về, họ tiếp tục đối diện với tàn dư chiến tranh vương lại trên chính mảnh đất đã gắn bó máu thịt qua bao thế hệ.

Ký ức về một thời đạn, bom ngay tại mảnh đất Nà Sát giờ vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm người lính cụ Hồ - Lý Văn Phù... Ông kể rằng, để góp sức bảo vệ quê hương Nà Sát, tháng 9.1981, khi ấy ông vừa tròn 19 tuổi, tình nguyện tham gia quân ngũ để cùng Trung đội 2 Kiên Cường, xã Thanh Thủy (thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vị Xuyên) thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cầu treo Nà Sát. Đây là cây cầu dài gần 80m, bắc qua sông Lô, nối trục Quốc lộ 2 với thôn Nà Sát. Từ vị trí quan trọng này, cầu treo Nà Sát trở thành cây cầu tác chiến của quân đội ta để vận chuyển pháo từ Trung đoàn 457 (Sư đoàn 313) qua sông Lô, đến các điểm cao thuộc thôn Nà Sát nhằm phục vụ cuộc chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Cũng từ đây, 4 trận địa pháo tại các điểm cao của quân ta được hình thành, bao gồm: Trận địa pháo H12, DKB, DKU và trận địa pháo 7602. Nhưng khi bước vào giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh biên giới, trận địa pháo 7602 đã bị quân xâm lược nã pháo tiêu diệt hoàn toàn, khiến quân đội ta thiệt hại không nhỏ về lực lượng và vũ khí tác chiến – ông Phù ngậm ngùi nhớ lại...

Dù cụt một bên chân do vướng phải mìn, nhưng ông Lý Văn Phù vẫn tích cực lao động, sản xuất để góp sức đưa gia đình thoát nghèo (năm 2015), trở thành hộ khá. 											Ảnh: THU PHƯƠNG
Dù cụt một bên chân do vướng phải mìn, nhưng ông Lý Văn Phù vẫn tích cực lao động, sản xuất để góp sức đưa gia đình thoát nghèo (năm 2015), trở thành hộ khá. Ảnh: THU PHƯƠNG

Cùng với câu chuyện trên, năm 1984, khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới bước vào giai đoạn ác liệt, gần 30 hộ dân của thôn Nà Sát buộc phải sơ tán để đảm bảo an toàn về sức người. Rời Nà Sát, tài sản họ mang theo chính là niềm tin về ngày quê hương yên tiếng súng để tiếp tục được an cư, lạc nghiệp như bao thế hệ đã từng gìn giữ đất thiêng. Và rồi, giai đoạn 1990 – 1993, đặc biệt là năm 1991, khi Hà Giang được chia tách từ tỉnh Hà Tuyên để tái lập tỉnh; lúc này, theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước cùng cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh, người dân thôn Nà Sát trở về khai hoang, phục hóa, xây dựng quê hương. Nhưng ký ức ngày trở về khiến họ không khỏi xót xa. Bởi một mặt, họ ra đi tay trắng cũng trở về tay trắng và phải trông chờ sự hỗ trợ một phần từ Nhà nước để ổn định cuộc sống. Xót xa hơn, “nơi chôn rau, cắt rốn” không còn bình yên như trước. Thay vào đó, lau sậy, cỏ dại chen lối. Hầm, hào, hố bom như “nấm sau mưa”. Những mái nhà xưa yên ấm giờ bị xóa sổ bởi bom, mìn chiến tranh. Không những vậy, mảnh đất mà họ sẽ canh tác để lạc nghiệp vẫn chưa được lực lượng chức năng rà phá hết bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh.

... hồi sinh “nhựa sống”:

Công cuộc mưu sinh ngay tại mảnh đất vừa chịu sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh là “cuộc chiến” đầy gian nan với người dân thôn Nà Sát. Nhưng bằng sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, mảnh đất xưa giờ đang chan hòa “nhựa sống”.

Những năm đầu hồi hương, để mưu sinh, gần 30 hộ dân ở Nà Sát buộc phải khai phá lại mảnh đất xưa. Trong quá trình lao động, có người không may giẫm phải bom, mìn đã mãi mãi yên nghỉ trong vòng tay đất mẹ. Nhiều người may mắn hơn, giữ được sự sống nhưng thân thể vĩnh viễn không còn vẹn nguyên, chỉ vì tàn dư chiến tranh. Ví như trường hợp cựu chiến binh (CCB) Lý Văn Phù, ông Lục Xuân Ngọc bị cụt chân; ông Đặng Trung Kiên bị mù mắt hay ông Lục Xuân Hà bị cụt ngón tay...  “Nhưng vì nặng lòng với đất quê hương, chúng tôi cứ thế mà khai hoang, phục hóa đất để thành ruộng, thành nương, thành rừng...”, CCB Lý Văn Phù chia sẻ.

Cùng với quyết tâm hồi sinh mảnh đất quê hương của người dân Nà Sát, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Thanh Thủy đã có nhiều chủ trương, quyết sách hợp lòng dân để từng bước làm thay đổi diện mạo thôn đặc biệt khó khăn Nà Sát. Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy, Lý Xuân Lìn cho biết: Khởi đầu phát triển kinh tế, Nà Sát không có cây trồng chủ lực cũng chưa hình thành vật nuôi thế mạnh như những thôn vùng cao của địa phương. Nhưng ngược lại, Nà Sát có lợi thế giáp trục đường Quốc lộ 2 và nằm bên dòng sông Lô. Do vậy, xã tập trung tổ chức lại sản xuất cho nhân dân, hướng đến sản xuất hàng hóa, gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất, giá trị cây trồng, vật nuôi...

Minh chứng cho thấy, năm 2015, UBND xã Thanh Thủy đã triển khai Phương án trồng mới 6 ha Na dai tại thôn Nà Sát. Tham gia phương án này, 18 hộ dân được Nhà nước hỗ trợ 100% lượng cây giống, vôi bột, phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón NPK, thuốc bảo vệ thực vật và được cán bộ chuyên môn hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất Na dai,... nhằm phấn đấu đưa năng suất quả đạt 8 tấn/ha/năm vào năm 2017. Và nay, cắt bán những quả Na dai ngọt, thơm vụ đầu tiên, chị Lù Thị Rọt không giấu được niềm vui: “Na đầu mùa có giá bán từ 40 đến trên 50 nghìn đồng/kg. Hơn nữa, quy trình chăm sóc Na dai không khó nhưng giá trị kinh tế lại cao hơn so với nhiều cây trồng khác, gia đình tôi mừng lắm!”.

Không dừng ở niềm vui trên, đầu năm 2017, tại thôn Nà Sát đã hình thành Tổ Phụ nữ liên kết chăn nuôi lợn nái luân chuyển; nhằm giúp các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, cùng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi để tạo thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, Nà Sát còn có Hợp tác xã toàn thôn chuyên về lĩnh vực nông, lâm nghiệp và dịch vụ. Điều này góp phần quan trọng trong việc tổ chức lại sản xuất theo kinh tế tập thể, hướng đến sự phát triển bền vững. Đặc biệt hơn, Nà Sát hiện nay cơ bản hoàn thành nhiều tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Nổi bật trong đó, 1.800m/2.300m đường giao thông của thôn được bê tông hóa; góp phần quan trọng khơi huyết mạch cho sự phát triển KT-XH bền vững ở Nà Sát. Và nay, trong tổng số 62 hộ dân, Nà Sát đã có 18 hộ trung bình, khá và còn 44 hộ nghèo, cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người của thôn đặc biệt khó khăn Nà Sát đã đạt mốc 13,5 triệu đồng/người/năm...

 Chia tay Nà Sát nhưng chia sẻ của CCB Lý Văn Phù như còn vang mãi trong tâm trí chúng tôi: Năm xưa, người dân Nà Sát đã cùng nhau “gieo” mầm sống trên mảnh đất đầy tàn dư chiến tranh. Ngày nay, với sự giúp sức của các cấp, ngành thì không có lý do gì để Nà Sát chậm bước trên con đường đổi mới.

THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hợp tác xã Dịch vụ vận tải và xây dựng Quẩy Sơn phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh

BHG- Xã Sủng Máng (Mèo Vạc) là xã có lợi thể về phát triển kinh tế tập thể. Nhiều năm trước đây đồng bào các dân tộc trong xã đã biết hình thành từng nhóm hộ để cùng sản xuất những mặt hàng như may mặc, làm hương, rèn đúc, vận tải. 

17/08/2017
Gần 30% diện tích cam Sành sản xuất theo hướng an toàn

BHG- Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 8.123 ha cam Sành, tập trung chủ yếu ở 3 huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình. Trong đó, trên 3.666 ha đang cho thu hoạch, năng suất bình quân 90 tạ/ha; trên 2.737 ha mới trồng được một năm tuổi. 

17/08/2017
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến làm việc tại xã Phú Lũng (Yên Minh)

BHG - Chiều 16.8, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã có buổi làm việc tại xã Phú Lũng (Yên Minh) về tiến độ thực hiện xây dựng NTM. Cùng đi có Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Yên Minh; lãnh đạo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh.

17/08/2017
Huyện Mèo Vạc tăng cường phát triển kinh tế tập thể

BHG - Những năm gần đây kinh tế tập thể của huyện Mèo Vạc đã có nhiều khởi sắc, không ngừng củng cố và phát triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các hợp tác xã đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội, từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực, việc đổi mới mô hình hoạt động của các hợp tác xã (HTX) trong giai đoạn hiện nay rất cần thiết, giúp cho các HTX vượt qua những khó khăn, khắc phục những yếu kém để HTX hoạt động đúng Luật. 

16/08/2017