Xã Tụ Nhân nâng cao thu nhập cho người dân từ chăn nuôi
BHG - Những năm qua, xã Tụ Nhân (Hoàng Su Phì) đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm đem lại hiệu quả kinh tế hộ. Trong đó, việc khuyến khích người dân phát triển các mô hình chăn nuôi được coi là biện pháp hữu hiệu nhất, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.
Đàn bò của gia đình anh Tráng Văn Lù, thôn Cán Chỉ Dền phát triển tốt. |
Nhận thức được những khó khăn trong việc phát triển kinh tế của địa phương, Đảng ủy xã đã có những Nghị quyết chuyên đề khuyến khích bà con nông dân ứng dụng tiến bộ KHKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là hình thành các mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống cho người dân. Theo thống kê của xã, có đến 80% số hộ dân trên địa bàn chăn nuôi đại gia súc, hộ nào ít thì 1-2 con, hộ nào nhiều thì vài chục con. Đến nay, đàn gia súc của xã đã phát triển lên đến hơn 5.000 con, trong đó đàn trâu, bò gần 2.000 con; tổng diện tích cỏ toàn xã là 159,5 ha.Được biết đến là hộ tiêu biểu trong phong trào phát triển đàn vật nuôi của xã, anh Lù Thanh Tính, thôn Nắm Ản cho biết: Trước đây, gia đình anh chỉ nuôi từ 1 - 2 con trâu, bò để làm sức kéo, nhưng mấy năm gần đây, nhận thấy chăn nuôi mang lại hiệu quả về kinh tế nên anh đã mạnh dạn vay vốn để phát triển chăn nuôi bò. Nhờ có kinh nghiệm trong chăn nuôi cũng như tích cực ứng dụng KHKT vào chăm sóc đàn bò, gia đình anh đã có thu nhập khá từ chăn nuôi. Hiện tại, đàn bò của gia đình có 20 con, trị giá vài trăm triệu đồng... Đến thăm mô hình chăn nuôi của anh Tráng Văn Lù, thôn Cán Chỉ Dền, một trong những người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo. Gia đình anh hiện có 20 con trâu, bò nuôi nhốt theo hình thức bán chăn thả. Ngoài tận dụng nguồn cỏ tự nhiên để làm thức ăn cho đàn trâu, bò thì với 2 ha cỏ trồng, gia đình anh có thêm cỏ để vỗ béo gia súc. Anh Lù chia sẻ: Kỹ thuật nuôi trâu, bò vỗ béo khá đơn giản, có thể nuôi bán chăn thả hoặc nhốt chuồng hoàn toàn. Thức ăn để vỗ béo chủ yếu là rau, cỏ voi trộn lẫn cám và thường xuyên bổ sung thức ăn tinh như ngô, khoai, sắn... để đàn gia súc nhanh lớn. Sau 9 tháng đến 1 năm chăm sóc, trọng lượng con trâu, bò có thể tăng 50 - 70%, như vậy có thể thu lãi từ 15-20 triệu đồng một con. Bên cạnh đó, gia đình anh luôn chú trọng công tác vệ sinh chuồng trại và tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ thú y.Có thể thấy, hầu hết các mô hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn xã Tụ Nhân khi được tiếp cận với cơ chế, chính sách hỗ trợ của T.Ư, của tỉnh, huyện đều có bước phát triển đáng mừng. Tuy nhiên, cái khó khăn lớn nhất hiện nay là trình độ sản xuất của người dân còn hạn chế, giao thông đi lại khó khăn, thị trường bấp bênh, không ổn định cộng với dịch bệnh luôn tiềm ẩn nên ảnh hưởng lớn đến việc chăn nuôi. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi chưa tạo được sự liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm dẫn đến lợi nhuận từ mô hình còn chưa tương xứng với công sức, tiền của đầu tư bỏ ra.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Duy, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Mục tiêu của xã đặt ra mỗi năm tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt khoảng 4 - 5%. Để đạt được mục tiêu này, xã Tụ Nhân đã, đang tận dụng tốt các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước để thúc đẩy phát triển chăn nuôi. Thông qua các chương trình, dự án người dân đã được hỗ trợ về mọi mặt, từ con giống, thức ăn đến kinh phí xây dựng chuồng trại, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thuốc, vắc-xin... Tuy nhiên, để chăn nuôi thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, cải tiến phương thức chăn nuôi; tăng cường chuyển giao KHKT nhằm cải tạo nâng cao tầm vóc đàn trâu, bò. Đồng thời, tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư, tận dụng các nguồn vốn, chương trình để hỗ trợ phát triển chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Bài, ảnh: TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc