Hội chợ việc làm, mới mẻ và hấp dẫn

08:58, 17/05/2017

BHG - Hội chợ việc làm được tổ chức lần lượt ở các huyện trên địa bàn tỉnh, thu hút đông đảo người lao động, nhất là đoàn viên, thanh niên đến tìm hiểu thông tin việc làm, qua đó tạo nên sự mới mẻ, hấp dẫn và thiết thực với người lao động.

Những bạn trẻ thành công:

Đi làm việc ngoài tỉnh hay xuất khẩu lao động dù đã có từ lâu nhưng đối với nhiều người dân vẫn là một việc khó khăn, bởi họ chưa “dứt ra” khỏi tư tưởng truyền thống “không muốn đi xa gia đình”. Mặc dù số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh khá lớn (521.106 người, chiếm 63,54% dân số toàn tỉnh), trong đó có đến 61,64% lao động làm việc trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp. Năm 2016 có 16.471 người được giải quyết việc làm, song tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, bền vững chưa cao, nhất là trong đoàn viên, thanh niên.

Hội chợ việc làm ở huyện Quản Bạ thu hút nhiều lao động là thanh niên.
Hội chợ việc làm ở huyện Quản Bạ thu hút nhiều lao động là thanh niên.

Tại Hội chợ việc làm, có những thanh niên đã đi làm việc tại các công ty, tập đoàn công nghiệp trong nước có mức thu nhập khá trở về tuyển dụng. Em Vi Thị Vạt ở xã Quyết Tiến (Quản Bạ), cho biết: “Em đã đi làm công nhân sản xuất ở Cty TNHH Bujeon Việt Nam electronics (Bắc Ninh) được 1,5 năm rồi, làm tốt thì lương tháng được 7 triệu đồng, tính cả tiền tăng ca và trợ cấp. Em đi làm ở công ty là do một người chị trước đó đã đi làm cho công ty, thấy em học xong không có việc làm nên gọi em đi cùng, chứ lúc ấy chưa có Hội chợ việc làm như thế này”.

Thực hiện Chỉ thị số 04 của BTV Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động và đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh, các huyện đã tổ chức Hội chợ việc làm năm 2017 với mục tiêu giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Cũng là một thanh niên đang làm việc tốt tại Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Quảng Ninh), bạn Lục Minh Giang ở Quản Bạ, chia sẻ: “Tôi đi làm được 7 năm rồi, ban đầu tôi đi làm là nhờ công ty đến tuyển dụng tại xã, lúc ấy hoàn cảnh gia đình khó khăn quá nên tôi quyết định đi. Đến nơi, tôi được học nghề 18 tháng tại Trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam, sau đó được vào làm việc chính thức với mức lương từ 10 – 15 triệu đồng/tháng. Hôm nay, tôi cùng đoàn công tác của công ty trở về quê hương để làm công tác tuyển dụng. Tôi thấy điểm yếu của lao động ở địa phương là ngại đi xa, việc hòa nhập hơi chậm và có tính tự ái cao... nên dễ bỏ việc, đây cũng là lý do tôi trở về tư vấn, thuyết phục các bạn nên thay đổi tư duy”.

Tạo cơ hội:

Theo các nhà tuyển dụng, nguyên nhân chủ yếu thanh niên ở đây chưa dám đi làm việc là do thiếu thông tin về thị trường lao động trong và ngoài nước, có tâm lý ngại đi xa, nhận thức còn hạn chế. Qua Hội chợ việc làm lần này, sẽ là “cầu nối” tạo cơ hội cho người lao động và nhà tuyển dụng trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông tin chính xác từ đó giải quyết được vấn đề việc làm.

Anh Nguyễn Hồng Minh, ở Trung tâm Tuyển sinh và giới thiệu việc làm, thuộc Trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam, cho biết: “Nhà trường đã thực hiện công tác tuyển sinh ở tỉnh Hà Giang từ năm 2010, đối tượng là thanh niên độ tuổi từ 17 – 35, trình độ văn hóa THCS trở lên. Tôi thấy các bạn ở đây có ưu điểm là chăm chỉ, chịu khó làm việc. Đến nay, đã có nhiều lớp thanh niên của tỉnh đang học tập và làm việc tại các đơn vị thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản, có đời sống khá tốt, việc làm ổn định, thu nhập cao, nhiều người được kết nạp Đảng. Tuy nhiên, một hạn chế là do đặc thù văn hóa địa phương, nhiều người có tâm lý ngại học dài, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp còn chưa tốt. Một số có tính tự ái cao, hay tự ty, dễ bỏ việc theo tập thể, nhiều khi công việc đang rất ổn định nhưng vì lý do nào đó động chạm đến tự ái là bỏ việc ngay”.

Anh Nguyễn Văn Hiệu, Văn phòng đại diện Công ty đào tạo nghề, xuất - nhập khẩu lao động – Tổng Công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp Quốc phòng (GAET) tại thị trấn Tam Sơn, chia sẻ: “Văn phòng đại diện của chúng tôi đã hoạt động ở thị trấn Tam Sơn từ năm 2010, mỗi năm giới thiệu cho khoảng 20 – 40 người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Việc đi xuất khẩu lao động cũng không quá khó như mọi người nghĩ, thường thì người lao động chỉ cần học tiếng vài tháng trước khi đi”.

Đến tìm hiểu thông tin tại Hội chợ việc làm, em Vàng Thị Mao ở xã Thanh Vân (Quản Bạ), năm nay 17 tuổi, tâm sự: “Em mới học hết lớp 8 là nghỉ học, hiện tại ở nhà em chỉ làm nương rẫy, thu nhập kém, bây giờ hoàn cảnh nhà em khó khăn nên em đến hội chợ để tìm việc làm”. Bạn Vàng Hồ Tâm, ở xã Tả Ván, cho biết: “Tôi học hết lớp 5 thì nghỉ học ở nhà, ở xã biên giới nghèo như nhà tôi việc phát triển kinh tế rất khó nên tôi đến đây tìm việc để kiếm thêm thu nhập cho gia đình”.

Hiện nay có một bộ phận không nhỏ thanh niên đi Trung Quốc lao động bất hợp pháp, chịu nhiều rủi ro, gây ảnh hưởng tới an ninh xã hội trên địa bàn song lại không đi làm việc tại các doanh nghiệp trong nước. Một số còn có rào cản văn hóa, không muốn đi xa nhà; có tình trạng ở nhà uống rượu nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng lao động... Việc tư vấn, tuyên truyền vận động người dân rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như sự phối hợp chặt chẽ của doanh nghiệp; huy động được cán bộ, người có uy tín đến từng thôn, bản động viên, tháo gỡ vướng mắc cho người dân để giải quyết được vấn đề việc làm.

LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp và giải quyết trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. 

16/05/2017
Tập huấn Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015

BHG- Ngày 16.5, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành. 

16/05/2017
Đồng Văn linh hoạt trong triển khai Nghị quyết 209

BHG- Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh đi vào cuộc sống đã và đang thực sự tạo "đòn bẩy" cho phát triển nông nghiệp hàng hóa. Sau hơn một năm triển khai, Đồng Văn được xem là địa phương có sự đổi mới, linh hoạt trong cách làm, giúp người nông dân có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất.

16/05/2017
Tái cơ cấu nông nghiệp ở Yên Thành

BHG- Yên Thành là xã vùng III của huyện Quang Bình, có 682 hộ với 3.382 khẩu sinh sống ở 8 thôn, bản. Từ khi tỉnh ban hành Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và huyện Quang Bình triển khai kế hoạch thực hiện Đề án, cấp ủy, chính quyền xã Yên Thành đã bắt tay ngay vào thực hiện dựa trên những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương

16/05/2017