Đồng Văn linh hoạt trong triển khai Nghị quyết 209
BHG- Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh đi vào cuộc sống đã và đang thực sự tạo “đòn bẩy” cho phát triển nông nghiệp hàng hóa. Sau hơn một năm triển khai, Đồng Văn được xem là địa phương có sự đổi mới, linh hoạt trong cách làm, giúp người nông dân có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất.
Cán bộ kỹ thuật Trung tâm giống cây trồng và gia súc Phó Bảng chăm sóc bò giống, chủ động cung ứng giống chất lượng tốt cho người dân có nhu cầu mở rộng chăn nuôi theo Nghị quyết 209. |
Quyết liệt trong triển khai
Đối với một huyện còn nhiều khó khăn như Đồng Văn, lâu nay người dân chủ yếu lấy chăn nuôi làm hướng đi chính trong phát triển kinh tế. Xác định rõ thế mạnh của địa phương, Đồng Văn đã xây dựng Nghị quyết về phát triển gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm giai đoạn 2017 – 2020 và ban hành Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển chăn nuôi giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Đặc biệt, khi bắt tay triển khai thực hiện Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, Đồng Văn đã xác định đây chính là “chìa khóa” giúp người nông dân dần thay đổi tư duy sản xuất.
Theo đó, để Nghị quyết 209 đi vào cuộc sống, huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời, thành lập các tổ thẩm định điều kiện vay vốn và kiểm tra việc sử dụng vốn vay theo Nghị quyết 209; chủ động ban hành kế hoạch, giao công việc cụ thể cho các ngành thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ. Đứng trước những trở ngại về địa bàn rộng, cá nhân đăng ký lẻ tẻ, rải rác, phân tán, giao thông đi lại khó khăn, việc thẩm định, kiểm tra cuốn chiếu khó thực hiện, huyện đã thường xuyên đôn đốc; Phòng NN&PTNT đề nghị các xã, thị trấn thành lập tổ thẩm định tại cơ sở về điều kiện vay vốn theo Nghị quyết 209. Cách làm này không chỉ nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các xã mà còn rút ngắn thời gian giúp các hộ sớm tiếp cận nguồn vốn.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tuân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đồng Văn cho biết: Qua một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 209 có thể khẳng định, Nghị quyết đã góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của huyện; đàn gia súc tăng về số lượng và tăng sản lượng thịt hơi xuất chuồng; người dân dần chuyển biến nhận thức từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát sang phát triển chăn nuôi tập trung, ứng dụng KHKT và dần hình thành phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, có thu nhập cao và ổn định. Để đảm bảo mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng giá trị chăn nuôi/giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 37,6% của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XX, Đồng Văn đã xác định rõ phát triển đa dạng các loại hình gia trại bò, lợn, dê, gà... theo hướng chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp bảo đảm phù hợp với quy mô, điều kiện của huyện và nhu cầu thị trường; sử dụng con giống bản địa có chất lượng tốt, có giá trị kinh tế cao; phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng trong việc cải tạo giống và cung ứng giống chất lượng tốt cho chăn nuôi; phát triển chăn nuôi gắn với xử lý chất thải và bảo vệ môi trường dân cư, nguồn nước; phát triển có trọng tâm, thực hiện đầu tư có thu hồi và hỗ trợ lãi suất vốn vay là chính, đồng thời khuyến khích khai thác nguồn vốn nhàn rỗi trong dân.
“Gỡ khó” cho người nông dân
Tính đến đầu tháng 4.2017, có 1.542 hồ sơ/19 xã, thị trấn của huyện Đồng Văn đăng ký, với nhu cầu vay vốn trên 107 tỷ đồng. Địa phương đã tiến hành thẩm định 1.482 hồ sơ; số hộ đủ điều kiện vay được phê duyệt có 164 hộ, chiếm 11,1% so với hồ sơ thẩm định; tổng nhu cầu vay trên 11 tỷ đồng; kết quả giải ngân 134 hộ với trên 9 tỷ đồng tiền cho vay. Nhìn vào con số này có thể nhận thấy, nhu cầu của người dân lớn nhưng số hộ đủ điều kiện vay lại quá ít.
Nguyên nhân được xác định, do tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm tới 71%; điều kiện canh tác khó khăn, thiếu nước, thiếu đất sản xuất, thời tiết khắc nghiệt nên khó áp dụng phát triển chăn nuôi hàng hóa quy mô lớn; nhiều hộ có quyết định phê duyệt được vay nhưng đến khi giải ngân lại không còn nhu cầu vay. Bên cạnh đó, do không có quy định mức tối đa đối với từng nội dung nên khó khăn trong việc kiểm tra, thẩm định điều kiện vay vốn và trả lãi suất cho các hộ vay, nhất là việc kiểm tra, thẩm định sử dụng vốn của các hộ chăn nuôi ong do chủ hộ thường xuyên di chuyển đàn ong, địa điểm đặt ong xa địa bàn nơi cư trú. Điều đáng nói, theo số liệu thống kê trên địa bàn huyện Đồng Văn, hiện có 15.038 hộ thì có tới trên 13.000 hộ đã vay vốn và còn dư nợ tại Ngân hàng CSXH huyện; do đó, đa số hộ đăng ký nhưng không thuộc đối tượng được vay.Để “gỡ khó” cho người nông dân, huyện Đồng Văn đã linh hoạt bằng việc dùng các nguồn vốn như: Vốn chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP), Quỹ đầu tư tái thu hồi, kêu gọi hỗ trợ của các tổ chức... Từ các nguồn vốn này, các xã, thị trấn đã cho người dân vay để tất toán cho Ngân hàng CSXH; sau khi đủ điều kiện vay vốn theo Nghị quyết 209 sẽ hoàn lại vốn đã vay. Cách làm này giúp cho không ít gia đình ở Đồng Văn có cơ hội phát triển chăn nuôi, nâng cao đời sống. Đồng chí Hầu Mí Sính, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Đồng Văn cho biết: ”Đứng trước nhu cầu của người dân, thị trấn đã giao cụ thể cho Hội Nông dân của thị trấn chủ trì việc sử dụng quỹ đầu tư tái thu hồi để hỗ trợ tạm thời cho các gia đình. Thông qua cách làm đó đã nhận được sự đồng tình cao từ phía người dân”.
Nghị quyết 209 được xem như là công cụ để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Trong khi một số địa phương khác đang gặp khó khăn trong việc triển khai thì ở Đồng Văn với việc quyết liệt trong triển khai, linh hoạt trong thực hiện đang giúp người dân nơi đây có thêm điều kiện phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Đó sẽ là “đòn bẩy” giúp Đồng Văn thực hiện có hiệu quả việc tổ chức lại sản xuất cho người nông dân.
KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc