Xín Mần chú trọng phát triển kinh tế mậu dịch biên giới

09:27, 12/04/2017

BHG - Phát triển mậu dịch biên giới với nước bạn Trung Quốc đã được Đảng bộ, chính quyền huyện Xín Mần đưa vào chiến lược để phát triển kinh tế. Đồng thời, còn tạo điều kiện cho nhân dân 2 nước, các tỉnh bạn, huyện bạn tới thăm thân trao đổi, mua bán. Từ đó, tình hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam – Trung Hoa, giữa Xín Mần với bạn bè các nơi ngày càng trở nên gắn bó, ổn định, phát triển bền vững.

Sắc màu thổ cẩm chợ phiên ở Xín Mần.
Sắc màu thổ cẩm chợ phiên ở Xín Mần.

Điểm giao lưu mậu dịch biên giới nổi lên thời gian gần đây tại Xín Mần chính là chợ Mốc 172 Ma Lì Sán, xã Pà Vầy Sủ. Điểm chợ này tập trung giao lưu hàng hoá giữa 3 vùng giáp ranh là: Ma Lì Sán, huyện Xín Mần – Si Ma Cai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai – Mã Quan (Trung Quốc). Chợ Ma Lì Sán ví như một ngã ba tụ hội các loại hàng hoá ở mọi nơi đổ về. Đồng bào bên Si Ma Cai kéo về Ma Lì Sán, đồng bào bên huyện Mã Quan (Trung Quốc) đổ về Ma Lì Sán và đồng bào huyện Xín Mần cũng kéo lên Ma Lì Sán. Chợ Ma Lì Sán có thể ví như một “bến đỗ” cho các con tàu mang theo kinh tế, văn hoá tụ lại để trao đổi, mua bán và giao lưu. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn huyện Xín Mần, lượng giao lưu thương mại năm 2016 tại Ma Lì Sán đã đạt con số trên 3,5 tỷ đồng. Con số mới nghe thấy rất nhỏ thế nhưng, thôn Ma Lì Sán hiện mới chỉ có 26 hộ, trên 100 nhân khẩu đồng bào Mông sinh sống. Mỗi phiên chợ, Ma Lì Sán thu hút tới 160 gian hàng của cư dân tiếp giáp 2 nước, 2 tỉnh giáp ranh đổ về buôn bán, giao lưu. Tính theo đầu người, thì mức giao thương trên lại là con số rất lớn cho một năm khởi đầu mở chợ giao thương tại một thôn nhỏ vùng biên ải.

Phụ nữ dân tộc Mông thêu, dệt thổ cẩm tại các buổi chợ ở Xín Mần.
Phụ nữ dân tộc Mông thêu, dệt thổ cẩm tại các buổi chợ ở Xín Mần.

Tại huyện Xín Mần, có 4 xã giáp biên, có 1 cửa khẩu Quốc gia cùng nhiều lối mở. Xín Mần có chiều dài dọc biên trên 32 km, với 11 thôn bản tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc. Những lợi thế đó đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho huyện Xín Mần phát triển kinh tế biên mậu. Ngoài thành công từ Ma Lì Sán, Xín Mần còn được tỉnh Hà Giang đầu tư tuyến đường từ km 90, lối rẽ Quốc lộ 4D lên Cửa khẩu Quốc gia Xín Mần (Việt Nam)  – Đô Long  (Trung Quốc). Trung tâm khu vực Cửa khẩu Xín Mần – Đô Long đã được Chính phủ phê duyệt đầu tư nâng cấp quy hoạch ban đầu từ 10 ha, lên 50 ha (kể cả diện tích quy hoạch mở) giai đoạn 2015 – 2020. Tại khu vực này, các cơ sở hạ tầng đã xây dựng đạt tầm Quốc gia đảm bảo cho cả việc giao thương Quốc tế (nếu cần). Mặc dù còn khó khăn về đường giao thông nâng cấp, nhưng năm 2016, đã có tới 21.093 lượt người là công dân 2 nước xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu. Lượng hàng hoá trao đổi đạt 1.788 tấn gạo và 36 tấn quặng Fsosilic. Ngoài ra, còn rất nhiều các loại hàng hoá nhu yếu phẩm phục vụ sản xuất, tiêu dùng được trao đổi, mua bán tại Cửa khẩu Xín Mần – Đô Long.

Bên cạnh sự nhộn nhịp ở Cửa khẩu Xín Mần – Đô Long thì khu vực lối mở Mốc 188 cũ thuộc thôn Hậu Cấu, xã Chí Cà hiện cũng đang được Xín Mần chú trọng đầu tư và kêu gọi đầu tư mở chợ. Hiện nay, mặt bằng khu chợ này đã được san ủi, các ki ốt họp chợ cũng đã được đầu tư xây dựng. Thời gian không lâu nữa, tại khu vực Mốc 188 Hậu Cấu cũng sẽ nhộn nhịp mời đón khách mọi nơi về buôn bán, giao lưu văn hoá.

Mở cửa, mở chợ không chỉ dừng lại ở câu chuyện buôn bán, làm giàu mà còn tạo điều kiện cho con người từ nhiều nơi đến với Xín Mần. Tại Xín Mần hiện nay đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân tìm đến để đầu tư, cùng góp công, góp sức, xây dựng huyện Xín Mần ngày càng giàu mạnh về vật chất, tốt đẹp, nhân ái về tinh thần và tình đoàn kết.

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chương trình 135, "Thương hiệu" đặc biệt

BHG - Chương trình 135 (CT135) giờ đây đã trở thành "thương hiệu" đặc biệt, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) nơi địa đầu Tổ quốc. Từ chủ trương đúng đắn và nhân văn của Chương trình xuyên suốt nhiều năm qua đã tạo diện mạo, sức sống mới, đẩy lùi sự ĐBKK trong phát triển KT-XH tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

12/04/2017
Xã Quyết Tiến đổi mới hoạt động Ban quản lý thôn

BHG - Về thôn Tân Tiến, xã Quyết Tiến là thôn đầu tiên thực hiện thí điểm việc triển khai mô hình Ban quản lý phát triển thôn (BQLPTT) ở huyện Quản Bạ. Sau hơn 1 năm thực hiện, mô hình này đã cho thấy sự hiệu quả, gọn nhẹ, năng động của bộ máy ở thôn.

12/04/2017
Hướng đi vững chắc trong tái cơ cấu Nông nghiệp ở Bắc Mê

BHG - Nhằm từng bước nâng cao giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, huyện Bắc Mê đã triển khai  đồng bộ các giải pháp trọng tâm theo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (TCCNNN) của tỉnh  phù hợp với điều kiện của địa phương. 

12/04/2017
Mạnh dạn khởi nghiệp từ mô hình VAC

BHG - Đam mê với trồng trọt và chăn nuôi nên chỉ mới 31 tuổi, chàng thanh niên Chu Văn Hoàn, thôn Minh Thắng, xã Việt Vinh (Bắc Quang) đã là ông chủ một trang trại vườn – ao – chuồng (VAC) quy mô lớn nhất xã.

12/04/2017