Dạy nghề "Giám đốc" cho hợp tác xã toàn thôn
BHG- Hợp tác xã (HTX) toàn thôn được nhân rộng trên địa bàn tỉnh từ năm 2016, hầu hết giám đốc các HTX kiểu mới này đều là trưởng thôn và chưa qua đào tạo về điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do vậy, Sở LĐ - TB&XH đã mở lớp dạy nghề quản trị, kế toán để bồi dưỡng kiến thức cho họ.
Lớp học nghề quản trị, kế toán HTX cho giám đốc, kế toán các HTX toàn thôn. |
Mô hình HTX toàn thôn được coi là mô hình nông thôn mới phù hợp với địa phương, góp phần đem lại hiệu quả KT-XH. Tham gia vào HTX toàn thôn, các thành viên sẽ tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Đáp ứng nhu cầu nguyện vọng chung của thành viên về kinh tế, phục vụ và hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thêm lợi ích cho các thành viên. Với những ưu điểm trên, hầu hết các huyện đều thành lập HTX toàn thôn. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là đối với vị trí giám đốc cũng được tỉnh quan tâm hỗ trợ.
Trước đây là một nông dân, được sự tín nhiệm của nhân dân trong thôn, anh Vũ Mạnh Chủng ở xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) được bầu làm Giám đốc HTX toàn thôn Vĩnh Xuân. Anh Chủng cho biết: “Trước đây tôi chỉ làm nông nghiệp chứ chưa làm giám đốc bao giờ. Từ khi thôn thành lập HTX toàn thôn, được bà con trong thôn tin tưởng bầu vào vị trí giám đốc, tôi vẫn còn nhiều bỡ ngỡ”. HTX toàn thôn Vĩnh Xuân được thành lập từ tháng 5.2015, với 130 thành viên; bộ máy cơ cấu của HTX đã kiện toàn các chức danh như giám đốc, phó giám đốc, kế toán, thủ kho, trưởng ban kiểm soát. Kinh doanh dịch vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và bán thuốc bảo vệ thực vật. Theo anh Chủng, HTX mới được thành lập không lâu nhưng đã cho thấy hiệu quả so với cách làm ăn đơn lẻ trước kia. Các thành viên HTX đóng góp tiền quỹ theo quy định để xây dựng nhà kho, liên kết với các công ty, doanh nghiệp bán cây giống, thuốc bảo vệ thực vật, được nhân viên của họ đến tận vườn hướng dẫn cách sử dụng, chăm sóc cây. Chất lượng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo, giá thành phải chăng, không lo mua phải hàng giả, vì đã có công ty chịu trách nhiệm bảo hành về chất lượng. Hiện tại, HTX đang bán thuốc bảo vệ thực vật theo nhu cầu của người dân trong thôn. Tuy nhiên do mới hoạt động, nên HTX còn lúng túng ở khâu làm việc với chính quyền địa phương như thủ tục để mở cửa hàng dịch vụ, xây dựng nhà kho.
Tương tự như vậy, ông Hò A Phủ là Giám đốc HTX toàn thôn Bản Mồ, thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn), cũng gặp không ít khó khăn; vì trước đây chỉ sản xuất nhỏ lẻ, chưa từng có kinh nghiệm về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Phủ cho biết: “HTX được thành lập từ tháng 8.2015, có 37 thành viên là người trong thôn chỉ có kinh nghiệm về chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, gà đen, trồng rau xanh..., chứ chưa biết gì về hoạt động của HTX. Hy vọng qua khóa học này, tôi sẽ có thêm kiến thức về điều hành hoạt động của HTX”.
Đáp ứng nguyện vọng của các HTX, Sở LĐ - TBXH đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh và Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật mỹ nghệ Việt Nam tổ chức khai giảng lớp quản trị, kế toán HTX. Giám đốc và kế toán của các HTX toàn thôn trên địa bàn tỉnh được học các kiến thức về quản trị kinh doanh, quản lý HTX và kế toán. Qua đó, giúp các học viên thay đổi tư duy lãnh đạo, phát huy liên kết trong sản xuất, khắc phục sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Hoạt động có sự liên kết hài hòa giữa điều hành thôn với phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng, năng suất lao động, giảm chi phí nhờ áp dụng các tiến bộ KHKT. Đảm bảo 100% đội ngũ cán bộ quản lý HTX toàn thôn đều được đào tạo nghề. Nâng cao tỷ lệ cán bộ quản lý, kế toán, kiểm soát viên HTX được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về HTX. Qua đây, sẽ là nguồn lực để phát huy những mặt tích cực của HTX toàn thôn kiểu mới; giúp các hộ phát triển kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn.
Lê Hải
Ý kiến bạn đọc