Chương trình 135, "Thương hiệu" đặc biệt
BHG - Chương trình 135 (CT135) giờ đây đã trở thành “thương hiệu” đặc biệt, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) nơi địa đầu Tổ quốc. Từ chủ trương đúng đắn và nhân văn của Chương trình xuyên suốt nhiều năm qua đã tạo diện mạo, sức sống mới, đẩy lùi sự ĐBKK trong phát triển KT-XH tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Tiếp cận nguồn vốn Chương trình 135 giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số của xã ĐBKK Tân Lập (Bắc Quang) từng bước vươn lên thoát nghèo. |
Với Hà Giang, nơi có điều kiện phát triển KT-XH ĐBKK bậc nhất của cả nước, CT135 – chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng ĐBKK càng trở nên ý nghĩa. Bởi trong tổng số 195 xã, phường, thị trấn cũng như 2.069 thôn, bản, toàn tỉnh có đến 141 xã khu vực III và 89 thôn ĐBKK thuộc xã khu vực I, II được thụ hưởng CT135. Đặc biệt, từ CT135 giai đoạn 2011 – 2015, với tổng nguồn vốn trên 911,3 tỷ đồng, tỉnh ta đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất; duy tu, bảo dưỡng các công trình thuộc CT135 và thực hiện dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn, bản và cộng đồng. Qua đó, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, nhất là tại các xã ĐBKK.Thực tế chứng minh, từ CT135, nhiều hộ nghèo, nhóm hộ không chỉ được trang bị thêm kiến thức sản xuất mới mà còn được hỗ trợ trực tiếp về giống mới, vật tư, phân bón, công cụ sản xuất, máy chế biến nông sản... Từ đó, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và tập quán sản xuất của đồng bào theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Hơn nữa, tại nhiều địa phương, chăn nuôi, trồng trọt có bước chuyển rõ nét theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa. Nhiều gia đình biết tổ chức sản xuất, thâm canh cây trồng, phát triển đàn vật nuôi theo mô hình đầu tư hiệu quả, làm tăng giá trị sản phẩm. Đặc biệt, từ những tác động của CT135 đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh từ 4-5%/năm.
Song song với kết quả trên, CT135 đã tạo diện mạo mới về cơ sở hạ tầng khi 100% số xã trên địa bàn tỉnh có đường giao thông đến trung tâm; trên 87% các xã có công trình thủy lợi quy mô vừa và nhỏ, đảm bảo công năng phục vụ sản xuất cho trên 85% diện tích sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, trên 83% số hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt, 75% số hộ dân khu vực nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh... Không chỉ hỗ trợ những hợp phần trên, CT135 tại địa bàn tỉnh còn đặc biệt quan tâm thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn, bản và cộng đồng. Thông qua các lớp tập huấn này, cán bộ chủ chốt xã như: Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, Kế toán,... được tập huấn, bồi dưỡng về cơ chế quản lý, Quy chế Dân chủ và sự tham gia của cộng đồng trong việc thực hiện CT135. Hoặc nâng cao kiến thức quản lý hành chính, kinh tế hay quản lý, giám sát dự án; cách thức sản xuất nông, lâm nghiệp; tiếp cận và sử dụng vốn tín dụng, phát triển kinh tế hộ... Từ việc đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện hiệu quả CT135 của cán bộ xã. Do vậy, sự tăng dần số xã làm chủ đầu tư CT135 qua các năm tỷ lệ thuận với sự nâng cao hiểu biết của người dân về CT135. Bằng chứng cho thấy, nhiều hộ dân đã tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện và giám sát CT135, quản lý, sử dụng công trình hiệu quả sau đầu tư... Anh Mai Kiến Quốc, Chủ tịch UBND xã Hữu Sản (Bắc Quang) chia sẻ: Giai đoạn 2011 – 2015, UBND xã được giao làm chủ đầu tư CT135 để thực hiện nhiều phần việc như: Làm đường bê - tông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân bê - tông, hỗ trợ hợp phần sản xuất, hỗ trợ sau đầu tư và hỗ trợ khai hoang ruộng, ... Bằng tinh thần đồng thuận cao trong nhân dân, khắc phục khó khăn và sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước đầu tư đã đưa Hữu Sản từ một xã nghèo, nhiều hủ tục... từng bước tiến nhanh trên lộ trình phát triển toàn diện.
Đặc biệt, năm 2016, thực hiện CT135, giai đoạn 2016 – 2020 của Chính phủ, toàn tỉnh đã hoàn thành giải ngân trên 190,1 tỷ đồng tổng vốn kế hoạch giao. Trên cơ sở đó, giao vốn, bố trí đầu tư cơ sở hạ tầng cho 430 công trình gồm: 254 công trình hoàn thành quyết toán, 109 công trình hoàn thành chưa quyết toán, 44 công trình chuyển tiếp và 23 công trình khởi công mới. Đồng thời, hỗ trợ hợp phần sản xuất, duy tu, bảo dưỡng công trình thuộc CT135... Cùng với đó, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục phối hợp với đơn vị hữu quan thực hiện Hợp phần nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng (thuộc CT135 năm 2017). Đây sẽ là tiền đề để nâng cao năng lực làm chủ đầu tư tại các xã và phát huy trách nhiệm cộng đồng trong giám sát, duy tu và bảo dưỡng các công trình; nhằm góp phần mang lại hiệu quả đồng bộ cho CT135 trong cả giai đoạn 2016 – 2020.
Có thể khẳng định, xuyên suốt nhiều năm qua, CT135 đã ghi dấu ấn phát triển tại các xã ĐBKK của tỉnh nhà. Đặc biệt hơn, trong nhận thức của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, họ hiểu rằng, không thể giữ mãi tâm lý “cho là nhận”, mà xác định CT135 đã trao cho họ thêm cơ hội thoát nghèo bền vững; để góp phần cùng các cấp, các ngành thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển, mức sống giữa các vùng, dân tộc và giữa các tầng lớp dân cư...
PHƯƠNG THÙY
Ý kiến bạn đọc