Vững tin mục tiêu giảm nghèo
BHG- Trong thời gian qua, để cụ thể hóa Nghị quyết và Chương trình hành động của tỉnh, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với điều kiện phát triển KT – XH ở từng vùng; phân công nhiệm vụ cụ thể trên từng lĩnh vực; gắn trách nhiệm của người đứng đầu, của từng cán bộ, đảng viên với thôn, bản nghèo. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đi vào cuộc sống.
Thông qua các chính sách giảm nghèo, người dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, chủ động vươn lên thoát nghèo. Trong ảnh: Bà con nhân dân xã Sủng Trà (Mèo Vạc) chủ động làm đất, chuẩn bị gieo trồng ngô vụ Xuân 2017. |
Qua tìm hiểu, những năm qua, các chính sách, dự án giảm nghèo và an sinh xã hội được tỉnh quan tâm bố trí ngân sách và tổ chức thực hiện đồng bộ; nhất là các chính sách hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ y tế, giáo dục, cứu đói; cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, xã nghèo như: đường giao thông liên xã, liên thôn; trường học, trạm y tế, cơ sở dạy nghề, điện, nước sinh hoạt... tiếp tục được hoàn thành và đưa vào sử dụng; người dân được tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản. Kết thúc giai đoạn 2011 – 2015, toàn tỉnh giảm được 32.368 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 41,8% xuống còn 18,1%; trong đó, 6 huyện nghèo giảm được 23.271 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 61,64% xuống còn 26,49%. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT – XH đặc biệt khó khăn còn cao. Qua tổng điều tra hộ nghèo cuối năm 2015 (theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020), toàn tỉnh có 73.313 hộ nghèo, chiếm 43,65% dân số toàn tỉnh. Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, tỉnh đã xây dựng Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 4%/năm; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, tăng thu nhập của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng lên 2 lần so với năm 2015 (năm 2015 khoảng 6,1 triệu đồng/người/năm); phấn đấu trên 98,2% người dân tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ huy động trẻ từ 6 – 14 tuổi đến trường đạt 99%; phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 35 nghìn hộ nghèo thoát nghèo bền vững; thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 30 triệu đồng/người/năm...Nhằm hoàn thành các mục tiêu đó, tỉnh đã xác định nhiều giải pháp vừa mang tính trước mắt, vừa lâu dài. Trong đó, tăng cường và đổi mới công tác truyền thông về Chương trình giảm nghèo bền vững sâu rộng đến cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, tổ chức đoàn thể; đặc biệt là các tầng lớp dân cư và người nghèo, nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy tính chủ động vươn lên của người nghèo; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện theo lộ trình hàng năm và cả giai đoạn; ưu tiên nguồn lực cho các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn; gắn mục tiêu giảm nghèo bền vững với xây dựng NTM; lồng ghép và thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển KT – XH và giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ở các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn... Mặc dù là một trong những huyện đặc biệt khó khăn nhưng trong thời gian quan, Mèo Vạc đã triển khai khá hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững. Bằng việc xây dựng Nghị quyết, Chương trình hành động cụ thể cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ linh hoạt đã giúp địa phương tạo chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao đời sống người dân. Ngoài việc lựa chọn hướng đi mang tính “mũi nhọn”, huyện đã biết cách phát huy nội lực sức dân; xây dựng các đề án phát triển kinh tế, văn hóa phù hợp với điều kiện KT – XH của địa phương; lồng ghép các nguồn vốn xây dựng thôn, xã phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng NTM. Qua đó, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Đồng chí Hầu Minh Lợi, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc cho biết: “Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện đã tăng cường sự tham gia của người dân về các hoạt động giảm nghèo, từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch, triển khai thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả. Huyện đã chuyển phương thức hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có thu hồi luân chuyển; chủ động nhân rộng mô hình quỹ phát triển cộng đồng xã, thôn; tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo, đảm bảo tính bền vững trong giảm nghèo”.
Với các giải pháp đồng bộ cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, có thể khẳng định, trong thời gian không xa, tỉnh ta sẽ thoát khỏi tỉnh đặc biệt khó khăn và rút ngắn khoảng cách với các tỉnh miền xuôi. Hơn hết, cuộc sống đồng bào nơi cực Bắc sẽ ngày một ấm no.
KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc