Sôi nổi phong trào phát triển kinh tế của phụ nữ xã Vĩ Thượng
BHG - Những năm gần đây, Hội Phụ nữ xã Vĩ Thượng (Quang Bình) luôn tích cực vận động chị em hội viên hăng hái lao động sản xuất; xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hay, hiệu quả như: Mô hình nuôi ếch thương phẩm, trồng rau an toàn, nuôi lợn sinh sản...
Mô hình trồng rau an toàn của phụ nữ thôn Yên Thượng. |
Trong không khí Xuân vẫn đang tràn ngập trên khắp các nẻo đường thì tại thôn Yên Thượng, xã Vĩ Thượng, người dân đã tạm gác việc mừng Tết, vui Xuân để ra thăm đồng ruộng. Sáng sớm, nhiều chị em trong thôn đã tất bật chăm sóc, thu hoạch vườn rau để đảm bảo nguồn rau xanh cung cấp ra thị trường vào dịp sau Tết Nguyên đán. Khắp cánh đồng “nhuộm” một sắc xanh non mơn mởn của những luống rau đậu hà lan, xà lách, bắp cải, cà chua... Đây là thành quả lao động đáng tự hào của Tổ trồng rau an toàn Yên Thượng (gồm 33 thành viên, thành lập cuối năm 2014) với gần 10 ha rau sạch được trồng và chăm sóc theo mô hình trồng rau an toàn. Các loại rau xanh trồng theo mùa (4 vụ/năm), được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt về làm đất, bón phân, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước tưới, thời gian cách ly giữa phun thuốc trừ sâu, bón phân với thu hoạch, vệ sinh môi trường xung quanh vùng sản xuất... đảm bảo thành phẩm là rau sạch, an toàn cho người tiêu dùng, có giá trị kinh tế cao, ổn định.
Thoăn thoắt nhổ cỏ, vun đất từng gốc cà chua, bắp cải, chị Phạm Thị Hương, Tổ trưởng Tổ trồng rau an toàn thôn Yên Thượng, cho hay: Nhà tôi có hơn 3.000 m2 đất trồng lúa nhưng do thiếu nước nên thu hoạch không cao. Sau khi tham gia lớp tập huấn trồng rau sạch của xã, huyện và tham khảo kiến thức trồng rau an toàn qua các phương tiện thông tin đại chúng; gia đình tôi đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau an toàn. Đến vụ thu hoạch, chúng tôi bán thẳng cho thương lái hoặc bán lẻ ở chợ, giá thành mặc dù cao hơn so với rau cùng loại trên thị trường nhưng vẫn rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện, tôi đang trồng và chăm sóc các loại rau vụ Đông như cà chua, súp lơ, đậu cô ve... Do chăm sóc cẩn thận, mỗi vụ rau, gia đình chị thu được từ 30 – 40 triệu đồng, cao hơn gấp 2 – 3 lần trồng lúa thông thường.
Với suy nghĩ không để cái nghèo, cái đói đeo bám; bằng ý chí và nghị lực của mình, chị Hoàng Thị Hằng ở thôn Trung Thành, xã Vĩ Thượng đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. Sau khi tham khảo thông tin từ sách, báo và tiếp thu kiến thức từ các lớp tập huấn nông nghiệp của huyện, xã, chị Hằng đã tìm được hướng phát triển kinh tế với mô hình nuôi ếch thương phẩm kết hợp với nuôi cá. Từ chục lồng ếch giống nuôi ban đầu (500 – 1.000 con/lồng), sau 2 năm, đến nay chị đã mở rộng quy mô lên gấp đôi với 21 lồng ếch với khoảng 40.000 con ếch, ngoài ra chị còn nuôi thêm gần 50 cặp ếch bố mẹ để nhân giống. Theo chị Hằng, với giá thị trường hiện nay khoảng 70.000 – 80.000 đồng/kg ếch thương phẩm; chỉ sau khoảng 4 tháng nuôi, gia đình chị thu lãi từ 30 – 50 triệu đồng. Tổng thu nhập của gia đình cũng được hơn 150 triệu đồng mỗi năm.
Trao đổi với phóng viên, chị Nông Thị Hót, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩ Thượng cho biết: Hội Phụ nữ xã Vĩ Thượng hiện có 8 Chi hội với hơn 600 hội viên. Để giúp hội viên có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho chị em, hội viên vay vốn với tổng dư nợ hiện nay khoảng 6 tỷ đồng. Cùng với đó, Hội khuyến khích chị em, hội viên tham gia các lớp tập huấn KHKT, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cây, con giống mới, năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, phát triển mô hình kinh tế tổng hợp. Nhờ vậy, trong vài năm trở lại đây, các chị em, hội viên xã đã xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao, cho thu nhập ổn định hàng chục, hàng trăm triệu đồng như: Mô hình VAC tổng hợp của cô Phạm Thị Lệ; mô hình chăn nuôi lợn sinh sản của chị Phạm Thị Đông; chị Mã Thị Giỏi ở thôn Thượng Minh với mô hình chăn nuôi lợn thịt...
Với những hoạt động cụ thể, thiết thực, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế của Hội Phụ nữ Vĩ Thượng đã đạt được những kết quả tích cực, không chỉ thay đổi cách nghĩ, cách làm mà còn phát huy khả năng sáng tạo của mỗi hội viên trong sản xuất, kinh doanh, giúp nhiều hội viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT – XH của địa phương.
Bài, ảnh: YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc