Cần lắm những "hiệp sỹ" giải cứu cam Sành

08:15, 22/02/2017

BHG- 3 huyện vùng trọng điểm cam Sành của tỉnh gồm Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình còn tồn gần 20 nghìn tấn quả chín nhưng chưa tiêu thụ được. Cam cuối vụ vàng ươm, trĩu nặng trên cành đang mỏi mắt chờ người hái; những nhà vườn như đang ngồi trên đống lửa, gặp thời tiết bất lợi, cam rụng đầy gốc và chất lượng, trọng lượng bị giảm rất nhanh.

Những vườn cam Sành cuối vụ đang rất cần các “hiệp sỹ” giải cứu.
Những vườn cam Sành cuối vụ đang rất cần các “hiệp sỹ” giải cứu.

Đìu hiu vùng cam

Vĩnh Hảo - xã vùng trọng điểm cam Sành của huyện Bắc Quang với diện tích trên 860 ha, trong đó có 540 ha cho thu hoạch, khoảng 214 ha đang thời kỳ kiến thiết, trên 100 ha trồng mới; 265 hộ sản xuất cam an toàn theo hướng VietGAP với tổng diện tích gần 549 ha; một hợp tác xã sở hữu 40 ha cam Sành VietGAP. “Cam Sành thực sự trở thành cây XĐGN, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân địa phương” - Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hảo, Hoàng Văn Nhiên từng tự hào khẳng định. Quả thực, những lần đi thực tế các thôn vùng lõi cam Sành của Vĩnh Hảo như Khuổi Mù, Đồng Ngần, Thống Nhất, Vĩnh Sơn, Vĩnh Chính; chúng tôi nhận thấy bộ mặt nông thôn thay đổi một cách nhanh chóng. Sau mỗi vụ thu hoạch cam Sành, danh sách nông dân triệu phú, tỷ phú lại nhiều thêm, những ngôi nhà cấp 4 vẫn còn tốt nhanh chóng được thay thế bằng căn biệt thự đẹp hơn cả ngoài phố thị. Mùa thu hoạch, hàng đoàn người từ các địa phương lân cận, tìm đến nhà vườn, cắt, gánh thuê; hàng đoàn xe tải từ nhiều tỉnh thành đến nhận sản phẩm, đóng gói, đưa đi tiêu thụ...

Đấy là cảnh đông vui của những mùa cam trước, còn thời điểm này, phủ bóng lên vùng cam Sành Vĩnh Hảo một không khí đìu hiu; sự lo lắng, bồn chồn hiện rõ trên nét mặt người làm vườn. Những nhà vườn sở hữu vài trăm đến nghìn gốc, sản lượng hàng trăm tấn cam Sành đang đứng ngồi không yên, cam cuối vụ còn trĩu nặng trên cây, gặp thời tiết bất lợi rụng đầy gốc. Trở lại vườn cam Sành của gia đình bà Đặng Thị Đài, thôn Vĩnh Chính; vườn cam xung quanh nhà vẫn đang nặng quả vàng ươm. Nếu như thời điểm này của năm trước, hàng chục lao động đang tiến hành cắt cam, gánh về điểm tập kết, đóng gói, đưa lên xe đi tiêu thụ; thì năm nay nơi đây không một bóng người, ngôi nhà của bà cửa khóa im ỉm. Đi xuống vườn cam sau nhà, tìm mãi không thấy người, chúng tôi sang những vườn khác xem có ai thu mua nhưng rồi phải quay lên với tâm trạng lo lắng không kém gì người nông dân trồng cam Sành. Cam cuối vụ giá thấp, không người thu mua, bị thối, rụng nhiều, quả còn trên cây cũng bị ảnh hưởng chất lượng..., nếu tình hình không sớm được cải thiện, chỉ còn cách đổ bỏ - một nhà vườn than thở!

Không chỉ ở Vĩnh Hảo, nhiều nhà vườn trồng cam Sành tại các xã Đồng Yên (Bắc Quang), Hương Sơn (Quang Bình), Trung Thành (Vị Xuyên)..., cũng rơi vào cảnh tương tự. Anh Phùng Viết Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết, trên địa bàn huyện có 2.332 ha cam Sành, 723 ha đang cho thu hoạch, sản lượng năm nay đạt 5.500 tấn, hiện còn tồn khoảng 2 nghìn tấn nhưng không người thu mua, nếu có cũng chỉ là các tiểu thương, dùng xe máy đi cắt về bán thị trường nội tỉnh nên số lượng không nhiều. Theo anh Phạm Xuân Tình, Trưởng phòng NN-PTNT Bắc Quang, cam Sành đã bị hao hụt khoảng 20% trọng lượng so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Với giá bán tại vườn loại đẹp dao động từ 6-7 nghìn đồng/kg, người trồng vẫn có lãi, nhưng buồn một nỗi giá thấp vẫn không người thu mua. Anh cho biết thêm, năm nay cam Sành được mùa, sản lượng tăng gấp đôi năm trước, hiện trên địa bàn huyện Bắc Quang còn tồn khoảng 14-16 nghìn tấn chưa người thu mua.

Đâu rồi những “hiệp sỹ”

“Được mùa mất giá” - điệp khúc này đã xảy ra với rất nhiều vùng nông sản trong cả nước, nhưng đây là lần đầu tiên ập đến với người nông dân trồng cam Sành trên địa bàn tỉnh ta. Tuy nhiên, tính chất, mức độ ảnh hưởng rất lớn khi người nông dân đang phải đối mặt với thiệt hại kép: Vừa mất giá, vừa không có người mua và cam đang rụng ngày một nhiều. Chỉ cần chậm một ngày không được thu hái, cam cũng sẽ tự rụng, nhưng còn nguy cơ phải đối mặt ngay vụ sản xuất tới đó là thời điểm này cây cam cần được chăm bón tốt để nó đơm hoa, tạo quả, nhưng sản phẩm chưa thu hoạch được, người dân không thể chăm bón và cũng không có tiền để mua phân bón, nguy cơ mất mùa cho vụ tới không phải không có cơ sở.

Còn nhớ, một hai năm trước, khi thảm họa được mùa, mất giá ập xuống với người nông dân các tỉnh vùng trọng điểm dưa hấu, thanh long..., hàng đoàn xe chở hàng lên Cửa khẩu quốc tế Tân Thanh (Lạng Sơn) không xuất được đành đổ bỏ, nhiều vườn đến thời điểm thu hoạch, giá thấp nhưng vẫn không người mua. Cũng trong thời điểm đó, nhiều cấp chính quyền, nhiều tổ chức thiện nguyện đã kêu gọi tiêu thụ, nhiều bạn trẻ tổ chức những điểm bán hàng trợ giúp nông dân. Hưởng ứng chiến dịch giải cứu dưa hấu, thanh long của các “hiệp sỹ”, người tiêu dùng trong cả nước đã ủng hộ, tiêu thụ sản phẩm với tinh thần tương thân, tương ái, chung tay chia sẻ khó khăn. Nay kịch bản của dưa hấu, thanh long đang lặp lại với cam Sành, ngoài giải pháp của cơ quan quản lý Nhà nước, cũng rất cần những “hiệp sỹ”, giải cứu cam Sành, giúp người dân giảm bớt thiệt hại.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 7.900 ha cam, quýt; trong đó gần 2 nghìn ha cho thu hoạch, diện tích tập trung chủ yếu ở Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình, năng suất trung bình hàng năm 15-20 tấn/ha. Tuy nhiên theo ghi nhận của các nhà vườn, việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học, kỹ thuật vào quá trình trồng, chăm sóc và thời tiết đầu vụ thuận lợi nên cam năm nay được mùa, năng suất, sản lượng tăng gấp đôi, có vườn gấp 3 năm trước. Năm 2016, có gần 827 ha cam trồng mới, đạt 236% kế hoạch, 1.900 ha sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, ngành chức năng đã cấp chứng nhận cho 30 cơ sở sản xuất cam VietGAP với tổng diện tích gần 1,4 nghìn ha; đặc biệt, cam Sành Hà Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý... Nếu sản lượng cam Sành được tiêu thụ hết trong thời điểm này, mặc dù giá chỉ bằng 1/3 năm trước, nhà vườn vẫn có lãi.

Trao đổi với phóng viên, chị Lê Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến Công thương tỉnh cho biết: Tỉnh ta đã nỗ lực tạo ra nhiều “sân chơi”, nhiều mối liên kết, kết nối nông dân trồng cam với các đầu mối tiêu thụ...,  nên sản phẩm cam Sành đã có mặt ở nhiều thị trường trong nước. Thế nhưng, sản lượng tồn đọng hiện còn rất lớn, ngoài các giải pháp của cơ quan Nhà nước, rất cần sự chung tay, giúp đỡ của người dân cả nước, ủng hộ, sử dụng sản phẩm để người dân trồng cam Sành vượt qua khó khăn.

THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khí thế sản xuất vụ Xuân ở Quang Bình

BHG- Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu Xuân, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân huyện Quang Bình đã tích cực xuống đồng, đảm bảo gieo cấy lúa và các loại cây trồng vụ Xuân theo đúng khung thời vụ, phấn đấu vì một vụ Xuân thắng lợi trên cả 3 tiêu chí: Diện tích, năng suất và sản lượng.

21/02/2017
Vững tin mục tiêu giảm nghèo

BHG- Trong thời gian qua, để cụ thể hóa Nghị quyết và Chương trình hành động của tỉnh, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với điều kiện phát triển KT – XH ở từng vùng; phân công nhiệm vụ cụ thể trên từng lĩnh vực; gắn trách nhiệm của người đứng đầu, của từng cán bộ, đảng viên với thôn, bản nghèo. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đi vào cuộc sống.

21/02/2017
Huyện Bắc Quang chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX

BHG - Đổi mới mô hình hoạt động của các HTX trên địa bàn huyện  Bắc Quang trong giai đoạn hiện nay rất cần thiết, vì thế trong quá trình hoạt động của mình, thời gian qua Ban đại diện Liên minh HTX huyện đã tập trung triển khai phổ biến nội dung của Luật HTX đến tất cả các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn; tham mưu cho Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND ban hành kế hoạch phát triển kinh tế tập thể để chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành triển khai các chương trình, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển.

20/02/2017
Huyện Quang Bình phát động phong trào "Ngày thứ 7 hướng về nông thôn mới" tại xã Tiên Yên

BHG - Ngày 18.2, huyện Quang Bình đã tổ chức Lễ phát động phong trào "Ngày thứ 7 hướng về nông thôn mới" tại thôn Yên Chàm, xã Tiên Yên. Đây là xã được huyện Quang Bình chọn về đích trong chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2017. Tham gia buổi phát động có các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ; cán bộ CCVC, chiến sỹ các LLVT trên địa bàn huyện; lãnh đạo và nhân dân các dân tộc xã Tiên Yên.

20/02/2017