Đưa trái cam Sành VietGAP lên mâm cỗ ngày Tết
BHG- Tháng Chạp, mùa trái cam Sành Hà Giang chín vàng khắp các vườn cam ở vùng đất phía Nam của tỉnh. Để giúp cho trái cam ngọt của địa phương không ngừng vươn xa, những năm qua, cây cam Sành được coi là cây trồng chủ lực của tỉnh. Ngành Công thương là một trong những ngành luôn đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phục hồi và không ngừng phát triển của trái cam Sành, đặc biệt là những trái cam Sành sạch theo tiêu chuẩn VietGAP thông qua việc quảng bá, xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Lãnh đạo ngành Công thương kiểm tra gian hàng bày bán, giới thiệu sản phẩm cam Sành VietGAP Hà Giang tại thành phố Hà Giang. |
Trước nhu cầu thị trường hiện nay, những sản phẩm sạch luôn là ưu tiên số một của người tiêu dùng. Đáp ứng nhu cầu ấy, trái cạm Sành cùng với vai trò là đặc sản của vùng đất Hà Giang đã và đang khoắc lên mình hình ảnh mới, đó là những trái cam được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tại các địa bàn như Bắc Quang, Vị Xuyên và Quang Bình, đi đến bất cứ địa bàn trồng cam nào chúng ta cũng đều bắt gặp những vườn cam VietGAP xanh tốt. Để có thể giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về những trái cam VietGAP của Hà Giang, thời gian qua ngành Công thương đã tích cực vào cuộc với vai trò xúc tiến, quảng bá và là nhịp cầu kết nối tiêu thụ không chỉ trong mà còn ngoài tỉnh, vươn tới các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Mai Văn Sướng, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết: Cùng với việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ cam Sành Hà Giang thời gian qua, trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu này, Sở Công thương chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và xúc tiến công thương tỉnh tăng cường quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam Sành Hà Giang, đặc biệt là cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng các gian hàng bán sản phẩm cam VietGAP tại thành phố Hà Giang nhằm vừa quảng bá, vừa giúp các hợp tác xã, gia đình trồng cam tiêu thụ sản phẩm; xúc tiến tiêu thụ cam đi các địa bàn...
Những ngày áp Tết này, 4 địa điểm bán cam sành VietGAP đã được mở tại thành phố Hà Giang với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và xúc tiến công thương tỉnh. Sản phẩm cam Sành VietGAP của các địa bàn trồng cam nổi tiếng như Bắc Quang, Vị Xuyên và Quang Bình đã được bán, giới thiệu tại địa bàn có nhu cầu tiêu thụ lớn nhất tỉnh. Đồng chí Nguyễn Hữu Hải, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công xúc tiến công thương tỉnh cho biết: Để hỗ trợ các hợp tác xã, các hộ trồng cam Sành tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, ngoài hỗ trợ gian hàng và địa điểm đẹp bày bán sản phẩm tại thành phố, Trung tâm Khuyến công còn hỗ trợ các hộ tiêu thụ về tem nhãn và bao bì sản phẩm, vừa để quảng bá hình ảnh, vừa để khẳng định thương hiệu và nguồn gốc sản phẩm.
Về phía các địa phương trồng cam Sành, các huyện đã lựa chọn các hợp tác xã, các hộ trồng cam tiêu biểu để đưa sản phẩm lên thành phố Hà Giang tiêu thụ dịp Tết. Anh Nông Thành Tâm, hộ trồng cam ở xã Hương Sơn, huyện Quang Bình, cho biết: Đây là lần đầu tiên anh được đem sản phẩm cam Sành của gia đình đi quảng bá, tiêu thụ tại chợ Trung tâm thành phố Hà Giang. Hiện nay, diện tích cam của gia đình anh có 4 ha, trong đó có 2 ha cho thu hoạch, được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với sự hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật của huyện về trồng cam Sành đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn thì sự hỗ trợ trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của ngành Công thương là rất cần thiết.
Còn đối với anh Đào Sơn Hải, hộ trồng cam ở xã Yên Hà, Quang Bình cho biết, đây là lần thứ 2 gia đình anh được sự hỗ trợ của ngành Công thương. Gia đình anh hiện có 3 ha cam cho thu hoạch, cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho sản lượng khá cao và ổn định. Do đó, những hộ trồng cam rất mong muốn không chỉ cam được giá mà còn đảm bảo việc tiêu thụ. Thông qua việc được hỗ trợ tiêu thụ như thế này sẽ góp phần quảng bá sản phẩm và để cho người tiêu dùng biết được họ đang được sử dụng những sản phẩm sạch được sản xuất ngay tại Hà Giang.
Có mặt tại những địa điểm tiêu thụ cam sành VietGAP tại thành phố Hà Giang, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều người dân đi sắm Tết quan tâm đến sản phẩm canh Sành. Các chị Hoàng Thị Hạnh, Nguyễn Thị Huyền ở phường Trần Phú cho biết, mọi năm các chị chỉ biết đến cam Sành, nhưng năm nay được biết đến cam VietGAP, được dán tem, nhãn đầy đủ. Đây là điều rất cần thiết với người tiêu dùng và cũng để thể hiện sản xuất nông nghiệp của Hà Giang đang tiếp cận với xu thế phát triển của cả nước. Các chị cho biết, năm nay sẽ sử dụng chính những trái cam Sành VietGAP với hình thức vàng, đẹp và thơm ngon trên mâm cỗ ngày Tết.
Huy Ba
Ý kiến bạn đọc