Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức luôn sát cánh cùng nhà nông
BHG- Từ đầu năm đến nay, mặc dù gặp những bất lợi khách quan do khí hậu, thời tiết mang lại như rét đậm, rét hại; hạn hán kéo dài, mưa lớn bất thường... gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng nói chung, giống cây trồng nói riêng. Tuy vậy, Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức vẫn đảm bảo thực hiện chặt chẽ những hoạt động nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Giống lúa chất lượng cao Hương biển do Trung tâm cung ứng phát triển tốt tại xã Đạo Đức. |
Với nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các loại giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp, dược liệu; chuyển giao KHKT trong sản xuất..., tới người nông dân và các cơ sở sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, trong 9 tháng đầu năm, tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức đã đoàn kết, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong công tác nghiên cứu, ứng dụng KHKT vào sản xuất, Trung tâm đã phối hợp với Công ty Giống cây trồng các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh xây dựng mô hình sản xuất thử 5 giống lúa thuần mới với quy mô 2,6 ha, gồm: Hồng Hương; ĐT128, 34, 37; Nếp 52. Qua khảo nghiệm cho thấy cây lúa sinh trưởng và phát triển khá, ít sâu bệnh, năng suất bình quân đạt 58- 62 tạ/ha. Tiến hành phục tráng, chọn lọc, bảo tồn giống lúa tẻ thơm, giống lúa tím, chọn lọc và duy trì giống lúa ĐS1, ĐS3; phục tráng giống ngô tẻ đỏ, bảo tồn 493 cây ăn quả các loại. Trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào, Trung tâm đã làm chủ được quy trình sản xuất nhân giống chuối tiêu hồng, giống khoai tây solaza Invitro; sản xuất nhân giống cây Ba kích tím, đan sâm, qua theo dõi cho thấy bước đầu đã có khả quan. Riêng đối với cây Đan Sâm, Trung tâm đã đưa trồng thử nghiệm tại huyện Xín Mần. Hiện nay, Trung tâm tiếp tục nhân giống và duy trì các bình gốc đối với cây Đan Sâm và Ba kích. Bên cạnh đó, cán bộ, công nhân viên của Trung tâm cũng đẩy mạnh thực hiện nghiên cứu các đề tài, dự án khoa học như: Phối hợp với Viện rau quả Trung ương triển khai Đề tài tuyển chọn giống cam Sành Hà Giang không hạt, ít hạt. Đã khảo sát, lựa chọn được các cây, cành cam không hạt, ít hạt ghép lưu giữ tại Hùng An, đồng thời đã ghép và đưa ra trồng 1 ha mô hình tại Bắc Quang. Phối hợp với Trường Đại học Nông, lâm Thái Nguyên thực hiện mô hình trình diễn một số giống lúa cạn là giống Khảu Nua Đeng, Trạng, Bụt. Nhìn chung cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh. Đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây Lan Kim Tuyến trên hốc đá và các hang động khu vực Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn” được Trung tâm đã xây dựng hoàn thiện và thông qua Hội đồng khoa học ngành Nông nghiệp.
Công tác xây dựng mô hình và chuyển giao KHKT được Trung tâm chú trọng. Vụ Xuân năm 2016, Trung tâm đã phối hợp với UBND xã Đạo Đức (Vị Xuyên), xã Minh Ngọc (Bắc Mê) triển khai cánh đồng 5 cùng, lồng ghép đầu tư có thu hồi sử dụng giống lúa thuần Thiên ưu 8, lúa lai CT16. Năng suất trung bình các giống đạt từ 63 đến 78,6 tạ/ha. Trong vụ Mùa, Trung tâm đã tư vấn, cung ứng giống lúa chất lượng cao Hương biển cho HTX sản xuất Tiến Đạt của xã Đạo Đức vào sản xuất với diện tích 6 ha, dự kiến năng suất đạt 65-70 tạ /ha. Bên cạnh đó, Trung tâm thường xuyên phối hợp với UBND các xã trên địa bàn huyện Vị Xuyên tổ chức tập huấn, hướng chuyển giao KHKT; kiểm tra thăm đồng, dự tính, dự báo, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh. Tư vấn giúp HTX thôn Chang thiết kế, hỗ trợ kỹ thuật vườn ươm cây giống lâm nghiệp; hướng dẫn HTX Minh Thành trồng và chăm sóc 4 ha cam Sành ghép theo tiêu chuẩn VietGap. Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tham gia tập huấn cho các đối tượng tham gia thực hiện mô trình cải tạo và trồng mới cam Sành của Dự án WB7 tại huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên...
Ông Phạm Văn Vinh, Giám đốc Trung tâm đánh giá rằng: 9 tháng đầu năm, mặc dù đã được đầu tư cơ sở hạ tầng và một số trang thiết bị tương đối đầy đủ và đồng bộ, nhưng sự thay đổi còn chậm chưa tương xứng với cơ sở vật chất đã được đầu tư; hoạt động khoa học chưa có tính đột phá; công tác tham mưu chưa mạnh dạn, thiếu chủ động; việc phối hợp với các huyện trong vùng còn thiếu linh hoạt, chưa năng động trong kinh doanh dịch vụ... Để hạn chế những tồn tại trên, Trung tâm đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo của tỉnh, của ngành trong thực hiện nhiệm vụ, xứng đáng là Trung tâm KHKT có uy tín của tính đối với bà con nông dân.
An Dương
Ý kiến bạn đọc