Xín Mần chọn "5 đột phá" để thúc đẩy phát triển kinh tế
BHG - Cải cách hành chính nâng cao chất lượng phục vụ công; Tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi chiếm 35% giá trị sản xuất nông nghiệp; Phát triển hạ tầng giao thông; Phát triển kinh tế biên mậu và Phát triển du lịch, đó là Quyết nghị của Đảng bộ huyện Xín Mần, nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định thực hiện.
Cửa khẩu Xín Mần (Việt Nam) – Đô Long (Trung Quốc) đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đây sẽ là cơ hội để huyện Xín Mần phát triển kinh tế, thu hút đầu tư. |
Ngay sau Đại hội thành công, tiêu điểm cải cách hành chính (CCHC) đã được triển khai thực hiện đồng bộ từ huyện đến cơ sở. Những yếu kém trước kia được sàng lọc loại bỏ. Thay vào đó, những cán bộ có đạo đức, trình độ được bố trí làm việc. Bộ phận “Một cửa” đảm nhận tất cả các thủ tục giao dịch hành chính công đảm bảo đúng Luật quy định. Một đội ngũ cán bộ được kiện toàn, được bố trí đủ, đúng và hợp lý theo từng loại hình công việc được giao; chất lượng phục công nhanh gọn đã từng bước nâng lên. Ban Thường vụ Huyện ủy Xín Mần chọn trong CCHC là “đảm bảo sự luôn hài lòng của người dân, các doanh nghiêp... Đánh giá của người dân về cán bộ được lấy làm thước đo hoàn thành công việc của cán bộ, công chức. Và ngược lại, cán bộ, công chức để người dân phàn nàn là kiên quyết không bình xét, không xếp loại”. Lộ trình “một cửa liên thông” sẽ làm cho bộ thủ tục hành chính gồm 363 thủ tục đang áp dụng tại cấp huyện và 147 thủ tục cấp xã sẽ được giải quyết gọn nhẹ, hiệu quả. Hy vọng, CCHC sẽ tạo cho Xín Mần có bộ máy công quyền tinh, gọn, thuận lợi cho mọi công dân. Đồng thời trở thành một điểm đến hấp dẫn và thu hút đầu tư phát triển về mọi mặt.
Bước đột phá được chọn đứng thứ hai là “Tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi chiếm 35% giá trị thu nhập trong sản xuất nông nghiệp”. Ngay năm 2015, Xín Mần đã đầu tư vốn cho 1.128 hộ nghèo mua trâu, bò nuôi. Toàn huyện đã có 213 Nhóm sở thích nuôi gia súc theo mô hình nhóm hộ và Tổ hợp tác. Đã thành lập 157 Nhóm sở thích trồng ngô, lúa theo mô hình cánh đồng mẫu. Ngoài ra còn rất nhiều Nhóm, tổ trồng Thảo quả gắn liền trồng và bảo vệ rừng. Các Nhóm sở thích, các Tổ hợp tác cùng nhau tổ chức lại sản xuất tạo ra nhân tố phát triển có quy mô, cách làm ăn bài bản. Thể thức làm ăn là cùng đầu tư, cùng chia lợi nhuận. Từ thực tiễn trên, Xín Mần đã kiện toàn lại 181/186 Tổ sản xuất thôn, bản. Các Tổ sản xuất thôn, bản tự xây dựng kế hoạch làm ăn của thôn, bản mình, chính quyền các cấp sẽ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, đầu tư trực tiếp đến từng thôn, bản, từng hộ dân. Xu thế phát triển chăn nuôi theo lợi thế và thế mạnh tại mỗi vùng, miền, là bước đột phá thành công ở Xín Mần thực hiện trong năm 2015. Thành công đó, sẽ tiếp tục nhân rộng vào các năm tiếp theo.
Cầu Cốc Pài được đầu tư 143 tỷ đồng bắc qua sông Chảy đang trong giai đoạn thi công nước rút. |
Mục tiêu “đột phá” thứ ba là đến năm 2020, toàn huyện có 70% số thôn bản có đường ô-tô đến trung tâm; trong đo, 60% mặt đường được cứng hóa. Ưu tiên các tuyến đường trọng điểm: Cốc Pài – Pà Vầy Sủ - Chí Cà; Tuyến đường Xóm Mới – Chí Cà. Hoàn tất thủ tục đầu tư đường: Km 90 (tỉnh lộ 177) – xã Xín Mần; Đường Chí Cà đi Mốc 188; Đường Mốc 188 – Cửa khẩu Xín Mần; Đường Quảng Nguyên – Hồ Thầu... Đồng thời, tiếp tục huy động mọi nguồn lực để bê-tông hóa 30 tuyến đường đến các thôn, bản. Quyết tâm xây dựng 3 cầu treo: Chế Là; Nguyên Thành; Thắng Lợi – Bản Ngò. Khẳng định kết nối giao thông là mục tiêu quan trọng để phát triển kinh tế hàng hóa và xóa đói, giảm nghèo nhanh. Muốn làm được điều đó, trước mắt phải thực hiện nghiêm Luật Đất đai, Luật Đấu thầu công khai để thu hút đầu tư từ mọi nguồn lực xã hội. Tranh thủ sự ủng hộ của tỉnh, các bộ, ngành và huy động nội lực trong dân vào xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn.
Bên cạnh đó, Đảng bộ huyện cũng xác định: Phát triển kinh tế biên mậu phải gắn liền dịch vụ, du lịch là điểm “đột phá kép” để xóa đói, giảm nghèo bền vững cho các xã vùng biên. Lấy kinh tế biên mậu để lôi kéo phát triển dịch vụ, phát triển du lịch khám phá, du lịch tâm linh. Chú trọng đến việc gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống. Từng bước tạo ra các sản phẩm phục vụ du lịch hấp dẫn, khác biệt. Tiếp theo là tận dụng tối đa lợi thế ở các vùng kinh tế “mở” khu vực Cửa khẩu Quốc Gia Xín Mần (Việt Nam) – Đô Long (Trung Quốc) để thu hút đầu tư, thúc đẩy giao thương 2 chiều. Trải “thảm đỏ” thu hút đầu tư xây dựng kho bãi, nhà hàng, khách sạn. Xây dựng lối mở Mốc 188 xã Chí Cà. Hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng “lối mở” khu vực Hậu Cấu đã được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định 720/UBND tỉnh Hà Giang về Đồ án quy hoạch chi tiết phát triển lối mở Mốc 188- Hậu Cấu – Chí Cà; xây dựng hoàn chỉnh chợ xã Nàn Sỉn và chợ Mốc 172 Ma Lì Sán, xã Pà Vầy Sủ để thúc đẩy giao thương giữa đồng bào 2 nước Việt – Trung. Dựa trên tinh thần đoàn kết, hợp tác cùng có lợi và tôn trọng toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của cả 2 bên cùng hợp tác, cùng phát triển vì quyền và lợi ích của nhân dân 2 nước.
Phát huy lợi thế đã có, tập trung chỉ đạo quyết liệt, có cơ chế kêu gọi đầu tư thích hợp và biết “trọng dụng” nhân tài, thì Xín Mần sẽ “đột phá” thành công.
Bài, ảnh: Nguyễn Mạnh Hùng
Ý kiến bạn đọc