Cây cam "lại về" với đồng đất Trung Thành!
BHG - Chỉ từ năm 2010 đến nay – khi người dân bắt đầu quay lại trồng cam, diện tích cam ở Trung Thành đã tăng từ gần 60 ha lên 243 ha. Trong đó, có khoảng hơn 50% đã cho thu hoạch. Với thực tế thu nhập khá của một số hộ trồng cam trong 2, 3 năm qua; những chính sách hỗ trợ của tỉnh cho người dân phát triển cây cam và quảng bá thương hiệu cam sành Hà Giang, người dân Trung Thành có thể yên tâm, tiếp tục tin tưởng vào sự trở lại của cây cam sẽ giúp họ vươn lên khá giả và làm giàu.
Xã Trung Thành (Vị Xuyên) vào thời điểm những năm 1980 - 1990, nơi đây được coi là vùng đất dành cho cây cam. Bởi khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, cam Trung Thành luôn được những người sành ăn và thương lái đánh giá ngon, đẹp hơn cam ở các địa phương khác trong huyện, tỉnh. Với vị ngọt đậm, thơm, múi vàng óng... cam Trung Thành có giá thành cao, đem lại thu nhập khá cho người dân, nhiều hộ đã thoát nghèo và trở nên khá, giàu từ trồng cam. Thế nhưng ít ai biết rằng, đã có một thời gian dài, cây cam ở địa phương này gần như biến mất.
Những vườn cam mới trồng lại trong 5 năm qua của người dân Trung Thành bắt đầu cho thu hoạch. Trong ảnh: Vườn cam của gia đình anh Nông Văn Sáng, thôn Bản Tàn. |
Nhớ về thời điểm cây cam phát triển mạnh nhất, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình, bác Nguyễn Xuân Chư, thôn Minh Thành chia sẻ: Đó là vào trước năm 1995, gia đình tôi chỉ trồng hơn 100 gốc cam. Vậy mà có năm thu được gần 60 tấn cam. Thời điểm đó, giá cam được hơn 1 nghìn đến 2,5 nghìn đồng/kg. Vụ nhiều nhất gia đình tôi bán được 143 triệu đồng. Nhà tôi từ một hộ khó khăn trở thành khá giả trong thôn, xã.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành, Phạm Kim Sơn cho biết: Những năm 1990, diện tích cam toàn xã ước đạt khoảng trên 200ha. Gần như nhà nào cũng trồng cam. Mà cây cam vụ nào cũng sai quả. Những cây trồng từ trên 8 năm trở lên có thể đạt năng suất vài tạ/vụ. Chỉ cần gần đến vụ cam, thương lái ở khắp nơi đổ dồn đến đặt cọc, thậm chí mua luôn cả vườn. Nhiều hộ như: Lê Thanh n, Phạm Xuân Điền (thôn Trung Sơn); Nông Văn Sáng (thôn Bản Tàn); Nguyễn Xuân Chư, Trần Đức Phú (thôn Minh Thành) trở nên giàu có từ trồng cam. Những hộ trồng ít cũng có điều kiện xóa đói, giảm nghèo và có của ăn, của để.
Tuy nhiên, từ năm 1996 đến năm 2000, cây cam ở Trung Thành xuất hiện một số loại sâu, bệnh hiếm gặp như: Greening (hay còn gọi bệnh vàng lá gân xanh); nấm trắng... Người dân thiếu kiến thức phòng trừ sâu bệnh khiến khoảng trên 80% diện tích cam ở địa phương này bị chết. Một số diện tích trụ qua dịch bệnh cũng cho năng suất thấp hoặc không ra quả trong nhiều năm. Những diện tích được người dân trồng phục hồi lại trong khoảng 3 năm đầu cũng vẫn xảy ra tình trạng trên. Thêm vào đó, giá thành cam giảm, có vụ giá chỉ còn vài trăm đồng/kg. Không còn trông chờ được vào cây cam, người dân bắt đầu bỏ cam để trồng cây khác. Theo thống kê của xã Trung Thành năm 2002, diện tích cam toàn xã lúc đó chỉ còn khoảng chưa đến 60ha.
5 năm trở lại đây – sau gần 10 năm cây cam không còn “chỗ đứng” ở xã Trung Thành, một số hộ dân đã mạnh dạn trồng lại cam. Không còn thấy cây cam bị bệnh; được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại từ cán bộ khuyến nông thôn, xã cùng với Chương trình phát triển cây Cam, Quýt của tỉnh trong những năm qua, với mức hỗ trợ 100% giống cam ghép đã giúp người dân Trung Thành quay trở lại đặt niềm tin vào cây cam. Một số hộ đã lại có thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm từ trồng cam như gia đình anh Trần Văn Long, Hoàng Văn Khoa (thôn Minh Thành) năm 2014 thu được trên 20 triệu đồng; anh Đỗ Xuân Chiến thu được 70 triệu đồng. Riêng vụ cam năm nay, dù cam chưa chín nhưng gia đình anh Chiến đã được thương lái trả 120 triệu đồng cho vườn cam của mình.
Đến thăm vườn cam với hơn 200 gốc của gia đình anh Nông Đức Kính, thôn Bản Tàn, được trồng từ tháng 6 năm 2013. Chúng tôi ngạc nhiên bởi độ sai quả của cây. Anh Kính cho biết: Tôi cũng đã trồng cam từ năm 1992, thu được một vài vụ đầu cho giá trị cao, thu về hàng chục triệu đồng. Thế nhưng năm 1997 cây Cam bị mắc bệnh và chết dần. Từ đó, gia đình tôi không trồng cam nữa. Năm 2013, thấy một số hộ trồng cam và phát triển lại được, chúng tôi cũng trồng 200 gốc cam chiết. Đến nay không có cây nào bị chết, tất cả đều phát triển tốt. Dù mới trồng được hơn 2 năm nhưng vườn cam của gia đình tôi năm nay chắc cũng thu được khoảng 1 tấn. Nếu giá thành như năm ngoái, chúng tôi sẽ bán được trên 10 triệu.
Chỉ từ năm 2010 đến nay – khi người dân bắt đầu quay lại trồng cam, diện tích cam ở Trung Thành đã tăng từ gần 60 ha lên 243 ha. Trong đó, có khoảng hơn 50% đã cho thu hoạch. Với thực tế thu nhập khá của một số hộ trồng cam trong 2, 3 năm qua; những chính sách hỗ trợ của tỉnh cho người dân phát triển cây cam và quảng bá thương hiệu cam sành Hà Giang, người dân Trung Thành có thể yên tâm, tiếp tục tin tưởng vào sự trở lại của cây cam sẽ giúp họ vươn lên khá giả và làm giàu.
Bài, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc